Chùa Hương thì muôn năm vẫn ở bên suối Yến giữa núi rừng Hương Sơn của Mỹ Đức, chứ có ai đem được đi nơi khác đâu, mà kêu mất, mà bảo là phải đi tìm lại. Nhưng đúng là ngay trước thềm xuân Mậu Tuất (2018 này), Động chủ đời thứ 12 Sơn môn Hương Tích – Thượng tọa Thích Minh Hiền đã tìm lại được chùa Hương tích cổ với khối ảnh miên trường. Hương Tích vốn là quần thể chùa chiền nức tiếng từ cách đây hàng trăm năm với những toà cổ sái, kiến trúc nguy nga “bậc nhất trời Nam”, đặc biệt Thiên trù với hàng trăm nóc mái kiến trúc… Thế nhưng do chiến tranh tàn phá, nên những công trình nguy nga tráng lệ xưa đã không còn. Người thời nay hành hương về Hương Tích tuy cũng được chiêm ngưỡng những tòa ngang dãy dọc đẹp phiêu mặc như tranh giữa nơi sơn thủy hữu tình, nhưng đó là những công trình được xây dựng lại từ nửa thế kỷ nay, không mấy ai biết được quang cảnh Thiên Trù xưa rộng hẹp, dáng dấp ra sao.
Không chỉ là hoài niệm
Theo các thư tích cổ, vua Lê Thánh Tông đi tuần thú qua vùng núi rừng Hương Sơn (nay thuộc Mỹ Đức – Hà Nội) lần thứ 2 vào tháng giêng năm Đinh hợi, niên hiệu Quang thuận thứ 8 (1467), người đã đóng quân nghỉ lại ở thung lũng này và cho binh lính thổi cơm ăn. Vua xem thiên văn thấy vùng này lâm vào địa phận của sao Thiên Trù (một sao chủ về sự ăn uống và biến động), nên nhân đấy đặt tên. Sau đó Sư Tổ Viên Quang Chân Nhân, quốc phong Thượng Lâm Viện – Tăng lục Tăng lục Ty Hoà Thượng Viên Giác Tôn Giả, chống gậy thiền vượt suối trèo non cùng cư dân vào dựng thảo am thờ Phật, khai sáng Thiên Trù Tự. Tiếp sau Tổ Sư Trần Đạo Viên Quang Chân Nhân, Tổ Sư Nguyệt Đường kế nhiệm trụ trì. Sau thời kỳ ba vị Hòa thượng khai sáng, chùa Hương gián đoạn trụ trì ngót một trăm năm. Mãi tới niên hiệu Chính Hòa năm thứ Bảy (1686) thời vua Lê Trung Hưng, Hòa thượng Trần Đạo Viên Quang, (tương truyền cũng là một quan chức trong triều đình đã treo ấn từ quan để đi tu) mới lại tiếp tục công việc tạo dựng. Đến thế kỷ 18, trong chuyến tuần du của chúa Tĩnh đô vương Trịnh Sâm vào năm Canh Dần 1770, ông đã khắc 5 chữ; “Nam Thiên Đệ Nhất Động” – nghĩa là động đẹp nhất trời Nam vào cửa động Hương Tích và lưu lại một số minh văn bia ký.
Rồi kể từ đó Tổ ấn trùng quang, đèn Thuyền tiếp nối, quá trình xây dựng chùa Hương được liên tục qua rất nhiều đời Chư Tổ. Năm Mậu Tuất (1802), tổ Hải Viên xây dựng năm gian tiền đường bằng gỗ lim lợp ngói thờ Phật. Lần lượt kế đăng trụ trì là các Tổ: Tịch Đĩnh, Thông Dụng, Thích Tuấn Nhã, Chiến Trực, Thông Lâm, Tâm Chúc, Thanh Hữu, Thanh Quyết… Đến đời trụ trì của Đại Sư Thanh Tích công việc xây dựng kiến thiết Thiên Trù vẫn được tiếp tục, để rồi đến năm 1942 nơi đây như một tòa lâu đài nguy nga tráng lệ “Biệt chiếm nhất Nam thiên”. Nhưng đáng tiếc thay vào ngày 11 tháng 2 năm Đinh Hợi 1947, thực dân Pháp đã vào đây đốt phá, biến Thiên Trù thành đống gạch vụn tro tàn. Đến năm 1948, giặc lại vào đốt phá một lần nữa, rồi năm 1950 chúng lại cho máy bay thả bom khiến cho cao chất ngất mấy tòa cổ sái của Thiên Trù bị san phẳng. Dấu vết xưa của Thiên Trù hiện nay chỉ còn lại vườn Tháp, trong đó có Bảo Tháp Viên Công, một công trình nghệ thuật đất nung của thế kỷ thứ 17 và cây Thiên Thủy Tháp.
Năm 1951, Hoà thượng Thanh Chân đã cho dựng lên từ đống tro tàn đổ nát 6 gian nhà tranh để có nơi tu hành và nhang khói. Vào năm 1989, dưới sự trụ trì của cố Thượng tọa Thích Viên Thành, Ban xây dựng Chùa Hương đã khởi công tái thiết lại chùa Thiên Trù đến năm 1991 thì khánh thành. Năm 1994, cổng Nam Thiên Môn cũng được hoàn thành, đứng sừng sững giữa núi rừng Hương Sơn. Những năm sau này, tiếp nối Tông phong Hương Tích, Thượng tọa Thích Minh Hiền- trụ trì đời thứ 12- mở mang xây dựng thêm nhiều công trình mới, để đến ngày nay, chúng ta đến đây được chiêm ngưỡng quần thể kiến trúc nguy nga, hoành tráng. Tuy vậy, đó là những công trình được xây dựng lại từ nửa thế kỷ nay, chứ không mấy ai biết được quang cảnh Thiên Trù ngôi chùa trong quá khứ như thế nào.
Hoài niệm về chùa xưa, cảnh cũ người ta phải đọc những áng thơ văn được thi nhân xưa sáng tác vào nửa đầu thế kỷ XX. Đặc biệt, những bài thơ viết về chùa Hương lung linh ảo diệu của Chu Mạnh Trinh, Tản Đà, Nguyễn Nhược Pháp… làm cho ai nấy đều cảm thán, tiếc nuối cảnh cũ người xa.
“Chùa Hương trời điểm lại trời tô
Một bức tranh tình trải mấy Thu
Xuân lại xuân đi không dấu vết
Ai về ai nhớ vẫn thơm tho”.
(Tản Đà).
Một bộ ảnh chùa Hương được chụp từ cách đây hơn 60 năm trở về trước mà Chư Tăng Hương Tích vừa mới tìm lại được là kho tư liệu vô cùng giá trị, cho chúng ta được nhìn, được thấy những “toà cổ sái, kiến trúc nguy nga bậc nhất trời Nam” trong quá khứ. Trong thời gian vừa qua được sự chỉ dạy của Thượng Toạ trụ trì Hương Tích Thích Minh Hiền, chư Tăng đệ tử đã tìm tại các thư viện và các trung tâm lưu trữ dữ liệu tại Pháp và Việt Nam như Viện Viễn Đông Bác cổ (École française d’Extrême-Orient, viết tắt EFEO), Thư viện Quốc gia Pháp (Bibliothèque nationale de France), Trung tâm lưu trữ Quốc gia I-II-III, Thư viện Quốc gia, Viện Hán-Nôm… và đã tìm được nhiều ảnh tư liệu lịch sử về chùa Hương. Đây là một sự kiện cực kỳ hy hữu, bởi sau bao nhiêu năm đằng đẵng Thượng tọa Thích Minh Hiền đi tìm trong ký ức muôn nhà, như con thơ lưu lạc đi tìm nguồn cội, đến giờ mới thấy. Số ảnh tư liệu này chủ yếu do người Pháp chụp từ tháng 3 năm 1927 đến năm 1955 tại quần thể thắng cảnh Hương Tích. Đây là những tư liệu rất quý, lưu lại kiến trúc của quần thể chùa Hương, khách hành hương lễ Phật… có giá trị lịch sử vô cùng to lớn. Bộ ảnh quý giá này sẽ được ra mắt công chúng tại “Triển lãm ảnh chùa Hương Xưa-Nay”, tổ chức tại phòng triển lãm chùa Thiên Trù cùng với Lễ khai hội Chùa Hương tới đây, ngày Mồng 6 tháng Giêng âm lịch năm Mậu Tuất.
Suối Yến trong dòng thời gian
Hằng năm cứ từ 6 tháng Giêng tới tháng Ba âm lịch là Hương tích sơn mở hội. Hành hương đến Hương Sơn, du khách phải ngồi thuyền đi xuôi dòng suối Yến, qua cầu Hội, đến Bến Trò, rồi mới bắt đầu chuỗi hành trình leo núi lên động. Ngày nay suốt 3 tháng mùa Xuân, suối Yến luôn tấp nập những con đò xuôi ngược đưa du khách vào ra. Với gần 5 nghìn con đò chở khách, từ trên nhìn xuống cảnh đò đông đúc như lá tre. Tình trạng ách tắc vì số lượng người đi đò quá đông đôi khi xảy ra vào những ngày khai hội, ngày cuối tuần.
Hình ảnh hai bên bờ suối là những vạt lúa chạy dài theo dòng nước, tiếp giáp với những dãy núi đá xanh mờ trong sương, khiến cảnh vật thêm huyền ảo. Khó mà phân định rõ đâu là đường ranh giới giữa trời và nước, chỉ nghe lao xao tiếng niệm Phật trên những con đò đang xuôi dòng. Không biết người ta niệm Phật để cầu xin sự cứu khổ hay chỉ nhớ Phật. Đã từ xa xưa, suối Yến luôn mang đến nguồn cảm hứng thi ca cho những ai trót một lần đặt chân tới, trót “bén” và trót “say” với tiếng chuông chùa hòa quyện vào không gian hùng vĩ của núi rừng cùng dòng suối như dải yếm đào. Năm 1934 nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp sáng tác bài thơ nổi tiếng “Cô gái Chùa Hương”, với những câu: “Thuyền đi. Bến Đục qua/Mỗi lúc gặp người ra/Thẹn thùng em không nói/ “Nam mô A-di-đà!”. Cũng vẫn là thuyền đi từ bến Đục, cũng vẫn là những núi Oản, Gà, Xôi, núi con Voi phục… đứng bên Suối Yến, cũng vẫn là những tiếng niệm Phật trên đò. Tâm trạng, khách hành hương trên suối Yên dường như từ xưa đến nay vẫn thế, chỉ sự thẹn thùng của cô gái là khác với người đi chùa Hương ngày nay.
Sinh thời, nhà văn tiền chiến Ngọc Giao (1911-1997) lúc mái tóc điểm sương, thuật lại một kỷ niệm trong đời khi cùng nhà thơ Nguyễn Bính vãn cảnh chùa Hương vào một năm trước 1945. “Chúng tôi thuê chiếc thuyền lớn trên sông Đáy, khời hành từ Phủ Lý, vào bến Đục, chùa Hương. Trong thuyền, ngoài lũ chúng tôi, còn có một đào nương ca trù, một ông kép đờn lớn tuổi. Thuyền rời bến Phủ Lý vào chập tối. Đàn đáy đã rung tơ, phách đào nương đã hòa nhập cùng sóng vỗ mạn thuyền. Theo nhà văn Ngọc Giao, thuyền đi hết một đêm, sáng hôm sau đã đến chùa Hương. Ở đây, mái chèo ngư phủ sẽ dẫn lối Đào nguyên rẽ nước đưa bạn lách vào dãy non xanh trùng điệp tưởng như vô tận. Thuyền đưa khách hành hương tiến sâu vào lòng dãy núi, qua bao nhiêu kỳ sơn tú thủy để rồi “khoan mái chèo nan ghé bến tiên”, bến Trò – Thiên Trù.
Chiêm ngưỡng bộ ảnh xưa chụp trên dòng suối Yến, ta thấy suối Yến xưa cũng không khác mấy so với ngày nay. Nhưng thuyền đò chở khách du xuân thưa thớt hơn, và suối Yến có vẻ hoang vắng. Một tấm ảnh chụp tại cầu Hội vào mùa du xuân năm 1955, thấy cây cầu bằng gỗ mảnh mai. Hai mố cầu không bắc lên bờ, mà chênh vênh bên triền nước. Hai đường dẫn lên cầu là những bao tải đất chỉ mấp mé ngấn nước suối. Ngày nay, cầu Hội là cây cầu sắt vững chãi, mỗi mùa hội thường treo dải băng rôn màu đỏ chữ vàng chăng ngang suốt dọc thân cầu, tạo nên vẻ tươi vui đẹp mắt. Ngắm nhìn những bức ảnh suối Yến xưa và nay, nhận ra một điều rằng: hoàn cảnh có thể biến chuyển nhưng lòng người với non nước chẳng bao giờ đổi thay.
Thiên Trù xưa và nay
Bến Trò ngày nay san sát những hàng quán làm dịch vụ phục vụ du khách, cùng với công trình cổng soát vé đồ sộ. Trong bộ tư liệu ảnh triển lãm, có tấm ảnh chụp Bến Trò vào năm 1927, trên bến hiện hữu chỉ một căn nhà xây mái ngói theo kiểu nhà dân để du khách dừng chân, nghỉ ngơi trong chốc lát trước khi lên Thiên Trù. Đường lên Thiên Trù nhỏ hẹp, hoang sơ, chỉ là lối mòn nhỏ men theo những khe hẹp giữa các vách đá. Vào nửa sau thế kỷ 20, đường lên chùa được các chư Tăng và người dân kiên trì mở rộng dần ra. Từ khi tiếp nối trụ trì chùa Hương, Thượng tọa Thích Minh Hiền đã để lại dấu ấn trên nhiều công trình kiến trúc đặc sắc, ngoài những công trình tại Thiên Trù, còn phải kể đến “Triều Sơn Lộ” – đó là con đường lát đá rộng rãi, từ bến Trò lên Thiên Trù thuận tiện cho hàng vạn du khách hành hương mà không lo tắc đường.
Từ bến Trò men theo Triều Sơn lộ, gặp nhà bia Thiên Trù. Một tấm ảnh chụp nhà bia Hoàng Trọng Phu năm 1955 cho thấy nhà Bia xưa cũng không khác bây giờ, được xây theo kiểu ngũ môn quan, với 12 bậc dẫn lên phía trên, chính giữa có đôi rồng chầu hướng xuống phía dưới. Phần giữa của nhà bia cao nhất xây theo kiểu hai tầng 8 mái đao cong, hai bên là hai trụ biểu ốp sát vào tường. Hai gian bên của nhà bia làm giả hai tầng mái giả ống. Tại nhà bia đặt ba tấm bia. Tấm bia ở giữa có tên là “Trùng tu Hương Tích tự bi”, mặt trước chữ Hán, mặt sau là chữ quốc ngữ do Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu soạn năm 1924. Tấm bên phải có tên là “Hương Tích động độc ký” khắc năm Khải Định 06 (1921). Tấm bên trái có tên là “Thiên Trù tự bi ký” dựng năm Chính Hoà 09 (1688).
Thiên Trù là ngôi chùa chính và có quy mô lớn nhất trong quần thể di tích Hương Sơn. Chùa tọa lạc nơi khoảnh đất khá bằng phẳng trong Thung Mang theo thế “tay ngai linh ấn”, bởi hai bên là núi Phụ Mã. Tấm ảnh chụp Cổng Tam quan Thiên Trù vào năm 1927 cho thấy Tam quan thời đó cũng khá giống với Cổng Nam Thiên Môn ngày nay. Chiêm ngưỡng ảnh xưa, nhận ra cổng chùa Thiên Trù được người xưa xây theo kiểu “Ngũ môn tam cấp” với 5 cửa, (hai cửa hai bên đã chặn lại) trên có những lầu nhỏ có nhiều mái phía sau. Lên tiếp các bậc thềm, qua cổng Tam quan ta sẽ thấy hai dãy nhà Tả hữu vu, kế đến là hai toà lầu chuông, lầu trống 2 tầng dọc hai bên sân chùa, tiếp đến là chính điện (tiền đường, thượng điện). ngoài ra còn có bể chứa nước, tăng già và các nhà cung văn, nhà tương và nhà oản…Chính điện ta có thể nhận thấy qua bức ảnh chụp năm 1927 rất nguy nga trang nghiêm.. Trong Bộ ảnh triển lãm tới đây, còn có tấm ảnh chụp Cổng Tam quan năm 1955, cổng đã bị vỡ, 2 cổng ngách phụ không còn, phần cổng to nhất ở giữa bị mất phần mái, đồng thời bị nứt rẽ làm đôi. Đây là bằng chứng cho thấy công trình bị hủy hoại do sự tàn phá của chiến tranh.
Ngày nay, từ cổng Nam Thiên Nôn bước vào sân, du khách sẽ gặp hai hạng mục mới được hoàn thành vào năm 2018 là Tả hữu vu, nằm đăng đối với nhau. Hai hạng mục này được làm tương tự như nhau, gồm hai dãy nhà làm theo hình thước thợ vuông góc, ở giữa là lầu Tứ Thiên Vương với kiến trúc 4 tầng kết hợp với hệ thống đấu củng và những đầu đao cong vút tựa cánh diều, trên đỉnh có tháp đồng.. công trình này là một điểm nhấn đã tôn bồi vẻ đẹp của nơi tâm linh dấu Phật. Khi chiêm ngưỡng những tấm ảnh năm 1927 chụp toàn cảnh nhìn từ sân chùa Thiên Trù và toàn cảnh chùa nhìn từ cổng, dọc 2 bên sân là hai lầu chuông trống xây hai tầng theo kiến trúc kiểu pháp có pha lẫn một vài nét phong cách Á Đông – kiểu kiến trúc nhà cửa rất thịnh hành ở Hà Nội vào nửa đầu thế kỷ 20.
Thưởng lãm những bức ảnh Thiên Trù xưa, ta nhận ra vào cách đây gần một thế kỷ, kiến trúc của Thiên Trù kết cấu “Ngũ môn tam cấp” – tức năm cửa ba bậc. Qua cổng là đến sân. Hai bên sân là hai dãy nhà tranh làm nơi ăn nghỉ cho du khách trong ngày hội. Qua sân là đến bảo thềm thứ nhất – đây cũng là một cái sân. Trước bảo thềm này có đặt một đỉnh đồng cao 3m dùng để khói nhang. Qua sân bảo thềm thứ nhất là đến bảo thềm thứ hai – là một cái sân cao hơn. Hai bên sân bảo thềm thứ hai là những gian nhà cầu cho khách ngủ trọ. Tiến đến sân bảo thềm thứ ba cao hơn một chút, qua hai cửa tam quan nối vào Tam Bảo chính là nơi thờ Phật. Hai bên Tam Quan là gác trống bên trái và gác chuông bên phải. Hai bên Tam Bảo là hai bể nước, các buồng sư, buồng cung văn, nhà dấu, nhà oản…
Hầu hết những công trình xưa đã không còn, ngày nay kiến trúc chùa Thiên Trù gồm 3 cấp. Ở cấp thứ nhất có một cổng lớn 2 tầng, trên có đề chữ “Nam Thiên Môn” (cửa trời Nam). Dọc 2 bên sân phía trước gác chuông là 2 dãy Tả hữu vu mới xây dựng theo lối kiến trúc cổ, nổi lên hai lầu Tứ Thiên Vương cao mấy tầng lầu mái ngói, mang dáng dấp phong cách kiến trúc Đông Á. cấp thứ 2 là gác chuông. Cấp nền trên cùng là Tiền đường, Thiêu Hương, Thượng điện, nhà Tổ… Công trình kiến trúc tiêu biểu ngày nay là gác chuông được dựng năm 1982 – 1985, theo kiểu chùa Ngăm tọa lạc ở giữa sân Thiên Trù. Sự độc đáo ở hạng mục này là ở chỗ sử dụng hệ thống cột chống đỡ toàn bộ công trình không cần tường xây hai phía hoặc bốn phía như một số gác chuông khác. Gác chuông này gồm bốn hàng chân gỗ với 16 cột. Nhìn bên ngoài, hạng mục này hiển hiện 3 tầng với 14 mái chính và 8 mái phụ.
Động Hương Tích vẫn muôn năm nguyên vẻ cũ
Tâm điểm của Khu thắng tích Phật giáo Hương Sơn chính là động Hương Tích. Theo cổ tích dân gian chùa Hương, đây là nơi tu hành và đắc đạo của Phật bà Quán Âm Diệu Thiện. Phật Bà là con gái thứ ba của vua Trang Vương, nước Hưng Lâm. Lớn lên, hai cô chị của Chúa Ba lập gia đình, ngán nỗi toàn gặp phải những chàng Phò mã ham chơi. Vua Trang Vương ép Chúa Ba lấy chồng, những mong kén được người tài cho nối ngôi. Chúa Ba không tuân lời, nhất định xin đi tu để độ cứu gia đình và chúng sanh thoát khỏi tai ách. Trang Vương nổi giận sai đốt chùa, sát hại Chúa Ba. Trời Phạm Thiên bèn sai thần núi Hương Tích hóa thành chúa sơn lâm nhảy xuống cứu nạn Chúa Ba. Thần hổ cõng Chúa Ba về núi Hương Sơn, để bà tu hành ở am Phật Tích. Chúa Ba đắc đạo hóa thành Phật Bà ngàn mắt ngàn tay. Nơi đâu chúng sanh mắc nạn, Quan Âm Diệu Thiện ở chùa Hương Tích cũng nhìn thấy, vươn tay ra để cứu độ. Từ đó hàng năm, du khách tập phương hành hương đến Hương Tích để chiêm bái vọng Quán Âm.
Thưởng lãm những bức ảnh đen trắng chụp động Hương Tích và đường lên cổng động Hương Tích chụp cách đây hơn 60 năm, thấy quang cảnh thiên nhiên giống hệt như ngày nay. Động như một cái hàm rồng rộng lớn, thênh thang, hun hút. Bên dưới, bên trên, bên phải, bên trái, cân đối nhau chằn chặn. Hòn thạch nhũ có tên là Đụn Gạo, nằm ở chính giữa, gần lối cửa vào, giống như lưỡi trong miệng rồng. Trong lòng động, nhũ đá trên trần và cả nhũ đá mọc lên từ sàn động với muôn vàn hình dáng: lợn mẹ, lợn con, đụn rơm, đụn gạo, quả bòng trái bưởi, cây bạc, cây vàng, khánh đá, cà sa nhũ Phật… Cổng động, đường từ cổng xuống động vẫn ngàn năm muôn vẻ cũ. Chỉ có khác là, ngày nay có con đường Quán Âm Kiều rộng rãi, chứ không phải là lối mòn nhỏ hẹp lổn nhổn đá. Những năm trước đây, đoạn đường vào cổng động Hương Tích vô cùng chật hẹp, suốt những ngày mùa lễ hội luôn xảy ra ách tắc bởi dòng người quá tải. Đường đá cheo leo trên vách núi nguy cơ có thể sụt lở bất cứ lúc nào. Bởi vậy, Thượng tọa Thích Minh Hiền đã tổ chức xây dựng một cầu cạn vĩnh cửu trước cửa động Hương Tích để phục vụ người dân vào lễ Phật thuận tiện hơn, đặt tên Quán Âm Kiều, hoàn thành vào năm 2009. Đây là một cầu cạn dài tới 108 m, nhưng không có các mố cầu mà được đỡ bởi các dầm cầu được xây dựng trổ ra từ một bên vách núi.
Từ xưa, các vị Tổ sư tổ chức Khánh đản đức Phật chủ chùa Hương Quán Thế Âm Bồ Tát vào ngày 19 tháng 2 âm lịch. Ngày nay, cứ từ 11 giờ đêm 18/2 đến 1 giờ sáng 19/2 âm lịch, hàng nghìn ngọn nến được thắp lên trong động Hương Tích trong lễ “Ngũ bách danh” (niệm 500 danh hiệu Đức Quán Âm) với hàng nghìn Tăng Ni và Phật tử tham dự. Lòng động Hương Tích bao la, ôm chứa hàng ngàn Phật tử. Mặc dù du khách rất đông, nhưng không hề có sự ách tắc chen lấn xô đẩy, bởi tất thảy mọi người đều ngồi xếp hàng trật tự, ai đến được đâu thì ngồi tiếp theo ở đó, không ai vượt qua người khác để tiến lên. Dòng người ngồi tụng niệm cứ nối nhau kéo dài ra mãi. Những người đến muộn, không vào được trong động, thì ngồi xuống tụng niệm ở Quán Âm kiều. Những tiếng niệm Phật, tụng kinh hòa âm vào nhau tạo thành bản giao hưởng khổng lồ cơ hồ như lay động cả vũ trụ.
Chiêm ngưỡng bức ảnh chụp cảnh Tổ đệ thập và các Phật tử trong khóa lễ ngũ bách danh tại Hương Tích năm 1955 thấy tham dự khóa lễ không không có sự đông đúc của hàng nghìn người, mà sau lưng Tổ đang thành kính đảnh lễ Phật là vài chục bà vãi già chắp tay niệm Phật. Tuy khóa lễ ít người, nhưng rất trang nghiêm. Tam bảo trong Động Hương Tích thuở xưa cũng tọa lạc những pho tượng quý như thấy ngày nay, trong đó lừng danh nhất là pho tượng Phật Bà Quan Âm bằng đá xanh tọa lạc chính giữa tòa Tam bảo, tượng do võ quan Nguyễn Huy Nhật cho tạc vào thời Tây Sơn năm Cảnh Thịnh thứ 2 (1793) để cúng dường.
Thưởng lãm ảnh để thấy Động Hương Tích vẫn ngàn năm muôn vẻ cũ, chỉ dòng người đến lễ Phật là ngày càng đông đúc thêm lên, nhưng lòng thành kính thì không đổi khác, như câu thơ xưa:
“Tượng đá trong hang mãi chẳng già
Trăm năm rung động nét tài hoa
Mắt người chưa thấy dung nhan Phật
Mà tự tay người Phật hiện ra”.
Hà thành,sơ Xuân Mậu Tuất
Quảng Tuệ Chu Minh Khôi