Trong tâm thức của người Việt, Chùa Hương là một địa danh được nhắc đến vì đó là “nơi lưu dấu thơm của Phật” Quán Thế Âm,  một vị Phật do dày công tu luyện ức vạn triệu năm, có lòng từ bi nên Ngài có thể nghe thấy những tiếng kêu than nhỏ nhất của chúng sinh đau khổ ở mọi nơi. Kinh Pháp Hoa ghi rằng: Khi gặp khổ đau, người ta tụng niệm pháp danh của Ngài thì Ngài đem phép nhiệm màu cứu giúp. Ngài có phép thần thông biến hoá, có thể hiện ra ở các sắc tướng khác nhau: có lúc là nam tướng, nữ tướng hay Đức vua và Hoàng hậu…

          Nam Hải Quán Thế âm được thờ ở động Hương Tích, chùa Thiên Trù, Chùa Giải Oan… Hành trạng của Ngài là công chúa Diệu Thiện; dân gian quen gọi là công chúa Ba, đã vượt qua mọi trở ngại, quyết chí tu hành. Vua cha là Diệu Trang Vương ở nước Hưng Lâm sinh được ba công chúa. Khi khôn lớn, hai chị lấy chồng nhưng các phò mã đều ham mê chơi bời, không lo việc nước nên vua bắt chúa Ba lấy chồng để chọn người tài giỏi nhường ngôi nhưng Ngài nhất định xin đi tu để sau này độ cho vương triều và chúng sinh thoát khỏi đau khổ. Trang Vương không nghe, sai đốt chùa, giết tăng ni và giết cả chúa Ba. Nhưng thiên đình đã sai thần núi Hương Tích hiện thành hổ cõng chúa Ba về vùng núi Hương Tích. Đức Phật Thích Ca hiện thân chỉ cho chúa Ba vào động Hương Tích tu tại đây. Khi thành đạo Bà biến hoá thần thông nghìn mắt, nghìn tay cứu độ cho cha. Hai chị của Ngài sau cũng quy y tu hành và đều thành Phật.

          Không gian quần thể di tích chùa Hương Tích và khu vực Hương Sơn hầu như hình tượng Phật Bà Quán Thế Âm luôn bao trùm trong các di tích. Các hang động, động – chùa khác ở chùa Hương như: Hang chùa Thanh Sơn, động Hinh Bồng, động Long Vân, hang Sũng Sàm…đều có ánh sáng mờ ảo, hình thù nhũ đá ly kỳ, khiến người ta liên tưởng tới sự sắp đặt đầy kỳ bí của tạo hoá. Người xưa trước những hiện tượng thiên nhiên ấy với tư tưởng tôn sùng đạo Phật và đức tin với Phật, sự tín ngưỡng và tôn giáo đã nảy sinh ở vùng này khá sớm. Theo nhà nghiên cứu Hán học Trần Huy Bá và Trương Quân: “Hương Sơn vốn đẹp, lại được bàn tay con người tô điểm nên càng đẹp. Truyền thuyết dân gian kể rằng: Cách đây 2.000 năm con người tìm ra động Hương Tích…” 

Hương Sơn, Đạo tràng của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát

Chùa Hương được biết đến rộng rãi với danh hiệu là Đạo tràng của Bồ Tát Quán Thế Âm có lẽ được bắt nguồn từ truyện nôm “truyện Phật bà Chùa Hương”. Thường thì ai đến chùa Hương cũng biết đến sự tích bà chùa Ba hay còn gọi là công chúa Diệu Thiện, bà là con thứ ba của vua Diệu Trang; Công chúa là hiện thân của Quán Thế Âm, đã từ chối tất cả cao sang quyền quý, vượt mọi trở ngại khó khăn trên đường tu hành, nêu cao gương đức độ và cuộc sống khổ hạnh cho tất cả quần sinh. Bà Diệu Thiện đã đắc đạo tại chùa Hương Tích. Nhưng trên thực tế, “Truyện Phật Bà chùa Hương” lại là một tác phẩm được diễn Nôm và chuyển sang thể thơ lục bát truyền thống của Việt Nam từ tác phẩm chữ Hán “Nam Hải Quán Âm truyện”, tương truyền tác giả là một vị Tăng nhân đời Nguyên của Trung Quốc.

XEM THÊM CÁC NỘI DUNG KHÁC: