phật môn

VỚI TÂM NIỆM CỦA NGƯỜI LÀM NHẠC

        Hoà thượng Thích Lệ Trang – Trưởng ban nghi lễ Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh (nay là Trưởng ban BTS GHPGVN Tp. HCM) đã từng nhận xét: ” Âm nhạc từ xưa đã được phổ biến rộng rãi trong mọi lĩnh vực sinh hoạt của nhân loại: ai nhạc khiến lòng người thương cảm, hòa nhạc khiến tâm người an lạc, quân nhạc khiến chí người phấn chấn, thánh nhạc khiến thần người lắng tịnh… “.
       Một trong những ngọn nguồn của âm nhạc chính là đời sống tâm linh của con người. Người Việt Nam, cũng như con người phương Đông nói chung, có đời sống tâm linh phong phú. Từ thuở rất xa xưa, ở các cư dân trên đất nước ta đã tồn tại quan niệm vạn vật hữu linh, theo đó thì mọi sự vật trên thế gian này đều có hồn, có những vị thần linh trú ngụ.
      Từ những vật vô tri vô giác trong thiên nhiên như hòn đá, gốc cây, ngọn cỏ, dòng sông, trái núi, cũng như những vật do chính con người tạo ra như trống, chiêng, những chiếc ché, bình vôi… cho tới các loài động vật, các thế lực thiên nhiên như sấm sét, mặt trời, mây mưa… đều tiềm ẩn những sức mạnh vô hình có thể tác động đến sự may rủi và toàn bộ cuộc sống của cả cộng đồng cũng như của từng cá nhân trong cộng đồng.
      Con người khi chết đi, thì theo quan niệm này, không có nghĩa là hoàn toàn và vĩnh viễn biến mất vào cõi hư vô mà chỉ chuyển từ thế giới hữu hình sang thế giới vô hình. Thể xác tan rữa, song linh hồn vẫn tồn tại, lẩn quất hàng ngày hàng giờ bên những người sống, theo dõi, giúp đỡ hoặc ngăn trở, phá phách họ trên những chặng đường của cuộc sống. Con người tin rằng có thể giao tiếp, viện xin các thế lực siêu nhiên ấy ban cho họ thêm sức mạnh, thêm may mắn, và sự giao tiếp, viện xin ấy được thực hiện thông qua việc tế lễ, thờ cúng, như thờ thần Mặt trời, thờ thần Nước, thờ sinh thục khí, thờ vật tổ, thờ thành hoàng, thờ tổ tiên, ông bà cha mẹ, những vị anh hùng có công khai sáng hoặc có công trong chiến đấu bảo vệ đất nước.
      Trong quá trình phát triển lịch sử, với sự giao lưu, tiếp xúc với những nền văn hóa từ bên ngoài đưa tới, các cư dân trên đất nước ta lại tiếp nhận thêm những tôn giáo mới trong đó sớm nhất là Phật giáo. Cũng theo Hoà thường Thích Lệ Trang: “ Phật giáo Việt Nam vào buổi sơ khai đã được các vị cao tăng Ấn Độ theo thuyền buôn đến Giao Châu truyền đạo, các Ngài đã dạy dân bản xứ biết thắp hương, lễ Phật, đọc lên những kê tụng quy y theo điệu khúc được gọi là “Phạm bái” (Phạm là thanh tịnh ; Bái là tán tụng, ca vịnh). Dần dà những điệu khúc đó được chuyển dịch sang ngôn ngữ tiếng Việt mà người dân Việt Nam quen gọi là “Kể hạnh”. Cụ thể hơn, theo Nhạc sĩ – Giáo sư Trần Văn Khê, thì đạo Phật vào nước ta từ rất sớm, nhưng phát triển rực rỡ nhất là vào thế kỷ X với triều Lý. Trên những phiến đá của chân cột chùa Phật Tích (Bắc Ninh) – một trong những di tích Phật giáo tiêu biểu của thời Lý có chạm khác hoa sen cùng hình nhạc công đang tấu nhạc dân tộc, với ý nghĩa hướng dẫn chúng sinh vào con đường của đạo pháp.
       Cuốn ” Lược sử âm nhạc Việt Nam ” xuất bản năm 1993 của nhà nghiên cứu âm nhạc Thụy Loan, có một đoạn nói về âm nhạc Phật giáo, xin trích ra đây để minh chứng thêm về sự xuất hiện và phát triển của âm nhạc Phật giáo Việt Nam: “… Sự hưng thịnh của Đạo giáo, nhất là của Phật giáo từ thời Đinh, Lê, nhất là dưới thời Lý – Trần, chắc chắn kéo theo sự phát triển và nở rộ của các thể loại ca nhạc gắn với các tôn giáo đó. Ngoài các kiểu ngâm, tụng, đọc kinh Phật giáo, có thể đã xuất hiện thêm nhiều hình thức hát nhà chùa khác: kể hạnh, múa hát chạy đàn, hát chầu tại các đền miếu. Bên cạnh trống, chiêng thường được sử dụng trong các hội hè, lễ nghị truyền thống, Phật, Đạo đã góp thêm những mõ, tiu, cảnh chuông như những nhạc khi điểm xuyết và đệm cho những điệu tụng kinh, kệ và hát thờ. Âm nhạc như một chất xúc tác không thể thiếu được trong các hình thức đồng bóng gắn với tín ngưỡng nguyên thủy của cư dẫn Lạc – Việt, ngày càng phát triển theo thời gian. Ngoài những lời khấn và tiết điệu của bộ gõ, dần dần nảy sinh những bài ca, điệu nhạc đi kèm theo các vũ điệu giúp con người thoát xác để “nhập thân với các đấng thần linh…”. Cũng như giáo sư Trần Văn Khê đã từng nhận định như đã trích dẫn ở trên, nhà nghiên cứu Thụy Loan cũng nhận xét trong cuốn “Lược sử âm nhạc Việt Nam” rằng ” Tốp nhạc công được khắc trên bệ đà chùa Phật Tích (Bắc Ninh) có thể là hình ảnh một dàn nhạc Phật giáo, đồng thời là một dàn nhạc cung đình của triều đại sùng Phật thời đó… “
       Nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng hơn hai ngàn năm qua, đạo Phật đã đem đến thế giới một cái nhìn chân xác về con người với mục đích giải quyết những vấn đề của con người mà một trong những phương pháp để giải quyết chính là sử dụng âm thanh. Thế giới âm thanh của đạo Phật mang những sắc thái huyền nhiệm. Biến thiên của âm thanh, của thanh điệu, vốn là một thuộc tính cơ bản của âm nhạc đã nương theo nhiều môi trường sống của người Phật tử thuộc nhiều sắc tộc khác nhau, để góp phần hình thành những nền âm nhạc Phật giáo khác nhau cực kỳ phong phú. Cho nên dẫu rằng âm nhạc là lĩnh vực không được nói đến nhiều trong Phật giáo, nhưng trên thực tế, thông qua việc thực hành tụng đọc kinh điển, những nghi thức tán tụng, âm nhạc Phật giáo vẫn phát triển hết sức phong phú ở Ấn Độ Trung Quốc, Hàn quốc, Nhật Bản… Ở nước ta, cho đến nay người ta chưa có một tài liệu cụ thể nào về thời gian hình thành nhạc lễ (âm nhạc) Phật giáo, nhưng âm nhạc Phật giáo trong thời kỳ mới du nhập cũng đã là một trong những phương tiện chính để truyền đạo, các vị sư truyền giáo đều đã lấy âm nhạc làm nghi lễ. Sử sách còn chép lại rằng đến triều đại Lý – Trần thì lễ nhạc Phật giáo đã được sử dụng phổ biến, thậm chí còn ảnh hưởng vào chốn cung đình. GS-TS Nguyễn Thuyết Phong trong bản tham luận “Tìm về bản sắc nhạc lễ Phật giáo Việt Nam qua lăng kính âm nhạc Phật giáo thế giới” đã cho rằng đạo Phật đã đến Việt Nam sớm nhất trong toàn bộ miền Cực Đông của thế giới, và con đường thủy sớm nhất đã đưa Phật giáo Ấn Độ đến Trung Quốc là xuyên qua Việt Nam. Cũng theo ông: “Một ngàn năm trước đây, trong đại lễ khánh thành chùa Diên Hựu (tức chùa Một Cột ngày nay), đã có dàn nhạc đại tấu với hàng trăm nhạc công di quanh hồ sen. Dàn nhạc Phật giáo (một bộ phận quan trọng của âm nhạc Phật giáo) còn đa dạng rất nhiều tùy theo vùng địa lý trên đất nước ta… “. Qua những nghiên cứu bước đầu còn khá sơ khai nhưng chúng tôi cũng đã hiểu rằng chỉ riêng với châu Á, âm nhạc nghi lễ Phật giáo đã thấm sâu từ hàng ngàn năm và mang mẫu sắc đặc trưng ở mỗi quốc gia. Và âm nhạc Phật giáo Việt Nam cũng đã có một truyền thống lâu đời và phong phú.
       Đạo Phật nói chung và âm nhạc Phật giáo nói riêng đã hòa trộn vào văn hóa người Việt Nam và bám rễ vững chắc trong đời sống tinh thần, đời sống tâm linh của người Việt Nam từ hàng ngàn năm nay. Thượng tọa Thích Minh Hiền đã từng nhận xét trong bài “ Phật giáo và văn hóa” rằng: “… Phật giáo tồn tại ở nước ta gần 2000 năm lịch sử. Trong gần 2000 năm ấy, văn hóa Phật giáo đã sâu rễ bền gốc trong tâm thức của người Việt. Những ngôi chùa tháp, những pho tượng thờ trong đó nói gì về kiến trúc, mỹ thuật, về ý nghĩa xã hội. Những nếp nghĩ, nếp sống theo Phật giáo của người Việt được biểu hiện qua ý thức, tư tưởng, quan niệm nhân sinh, đời sống chính trị, nếp sống đạo đức, nếp sống tâm linh, tục lệ tang lễ, lễ hội…Một mảng lớn ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo trong văn hóa Việt Nam từ kiến trúc, nghệ thuật điêu khác, âm nhạc, văn học thi ca vv… Nếu không phải là Phật giáo hoặc những người chịu ảnh hưởng của Phật giáo sáng tạo, thì cũng mang âm hưởng, màu sắc của Phật giáo…”.
       Đó cũng là một nét tiêu biểu chung cho nhiều quốc gia, nhiều dân tộc của vùng Đông Nam Á cũng như châu Á. Thế nhưng, chúng tôi cũng mạo muội mà đề xuất một nhận xét rằng: Âm nhạc Phật giáo Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có chỗ đứng xứng dáng trong công tác nghiên cứu âm nhạc dân tộc truyền thống Việt Nam để từ đó khẳng định những đóng góp của nó trong việc xây dựng nền âm nhạc cực kỳ phong phú và độc đáo này. Việc đưa âm nhạc Phật giáo đến với không chỉ Tăng ni, Phật tử, mà ngay cả đến tâm thức của người hành hương, người đi lễ tại các chùa theo tôi còn chưa được chú ý, nơi có nơi không, chưa được quảng bá sâu rộng như mong muốn.
       Chính tiếng nhạc, tiếng ca Phật giáo nhẹ nhàng như thực, như ảo văng vẳng dưới mái chùa chiền, sẽ đưa thiện tâm của người đi lễ đến gần hơn với những lời Phật dạy, khiến tâm hồn con người hướng tới Chân-Thiện-Mỹ nhiều hơn. Ngoài ra, người viết cùng đồng tình với ý kiến của nhiều vị cao Tăng cũng như của một số nhà nghiên cứu âm nhạc Phật giáo, là nên đựa nhiều âm thanh của các nhạc cụ dân tộc truyền thống vào trong âm nhạc Phật giáo, sử dụng nhạc cụ phương Tây một cách tinh tế và có chọn lọc, tạo nên một môi trường, một không gian âm thanh ấm cúng, giàu âm hưởng dân gian dân tộc, gia tăng tính thánh thiện của âm nhạc nhà Phật đối với công chúng mộ đạo./.

                                                                      Thăng long, đầu Xuân 2011
TS. Âm nhạc Quảng Chiêm Vũ Tự Lân