HỌP BÁO XUÂN

Thấm thoát thoi đưa, đất trời nhậm vận như nhiên nối tiếp nhau, thảo mộc đâm trồi nẩy lộc, núi rừng và con người Hương Sơn lại có duyên lành mở rộng thiện tâm, đón mừng tao nhân mặc khách, thiện nam tín nữ, trảy hội du Xuân – về chiêm bái Hương Tích cổ động, nơi lưu dấu tích thơm của Đức Phật Bà Quán Thế Âm.

Hương sơn thắng cảnh tuyệt trần ai
Thuỷ nhiễu sơn thanh tự cổ lai
Thị hiện Quan Âm thường cứu khổ
Đạo giao cảm ứng đẳng vô sai

Hương Sơn, nơi có cảnh sắc thiên nhiên hùng vỹ, đâu đó thấp thoáng những mái ngói đỏ, những kiến trúc cổ kính, xen kẽ ẩn-hiện trong núi rừng bao la. Không chỉ có cảnh sắc, nơi đây còn nổi tiếng với những hang động cổ xưa được thiên nhiên tạo hoa gắn liền với những huyền tích được lưu truyền trong dân gian tự bảo đời như: động Hương Tích, động Người Xưa… Hương Sơn còn là Thánh tích Phật giáo của người con Việt, nơi Bồ tát Quán Thế Âm trác tích tu hành thành đạo. Cũng không biết tự bao giờ, hành hương chiêm bái, đỉnh lễ Bồ tát đã dần trở thành một phần không thể thiếu của người đệ tử Phật, nhất là mỗi độ Xuân về. 

“Hương Sơn một giải lâm khê
Vân du giả hạc đi, về sớm hôm
Toà Sen ngự giữa Sơn môn
Nam Thiên đệ nhất, Động còn ngàn thư”

Hành hương trẩy hội mùa Xuân là nét đẹp của dân tộc Việt Nam vốn có tự ngàn xưa. Nét đẹp đó mãi mãi trường tồn trong thời gian vô cùng và không gian vô tận.

Lễ hội là một dạng thức hoạt động văn hoá tổng hợp của con người, là một hình thức hữu hiệu để phổ quát những giá trị văn hoá dân tộc, truyền bá những giá trị phi vật thể của một cộng động hay của cả một dân tộc. Hơn nữa, Lễ hội còn là một nhu cầu tâm linh chính đáng không thể thiếu của nhân loại khi mà tôn giáo đã được bản địa hoá, phù hợp với đời sống của một cộng đồng hay của một địa phương.

Chỉ trong lễ hội con người mới có dịp thăng hoa những biểu cảm nội tâm, những phẩm chất tốt đẹp của mình, con người mới có dịp hoà nhập vào không khí chung lễ hội để tạo thành niềm vui chung của một làng quê, của một vùng trong ngày lễ hội.

Kể từ khi vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đi tuần thủ phương Nam lần thứ hai tới đây và Chư tiền Tổ chống Tích trượng khai sơn đến nay, trải qua các đời Tổ sư tục diệm truyền đăng, từ Tổ khai sáng đến cố Hoà thượng Thích Viên Thành nối tiếp nhau xây dựng, hoằng dương chính pháp. Danh thắng và lễ hội chùa Hương ngày một mở rộng phát triển trên một bình diện lớn. Khi các Tổ sư chống Tích trượng, dựng thảo am ở Hương Sơn là xây dựng nơi quy ngưỡng để “Chiêm giả khởi kính” đối với ngôi Tam bảo, tô bồi nơi danh lam của đất nước cho thế nhân thưởng ngoạn. Được như vậy là đã làm tròn trọng trách giữa đạo Phật và dân tộc, giữa đạo Phật và cuộc đời.

“Chầm chậm Xuân về, lòng đất chuyển
Nhạc trời thanh thoát, rộn muôn phương
Tâm linh một thoáng bừng giao cảm
Lặng hết bao nhiêu lớp sóng cồn
Trời đất hân hoan, nghinh Xuân tự
Lễ Phật mùa Xuân, chật nẻo đường.”

Kính thưa quý liệt vị!

Nhân buổi họp báo Lễ hội chùa Hương Xuân Giáp Thìn, vinh dự được là người Trụ trì chùa Hương chúng tôi xin cầu nguyện mười phương chư Phật, Đức Phật chủ chùa Hương, Hộ Pháp Thiện Thần, minh huân gia hộ cho hết thảy quý liệt vị cùng toàn thể gia trung, thân không bệnh tật, tâm không phiền não, hàng ngày an vui, làm việc, mong cho “Phi long tại thiên”, “Cộng sinh đại cát”.

Chùa Hương ngày 26/ Chạp/ Quý Mão