Khai hội Chùa Hương Quân Quý Mão 2023 – Thượng tọa Trụ trì đọc lời khai mạc xuân hội
Mỗi độ xuân sang, khí hậu ôn hoà, thảo mộc lại đâm chồi nẩy lộc, trăm hoa khoe sắc đón mừng vạn lý xuân, vạn hộ xuân. Người người đón mừng xuân, nhà nhà hoan hỷ mở cửa đón mừng xuân với ngày tết cổ truyền của dân tộc.
“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Chỉ một vài phác hoạ đơn sơ trên thảm cỏ thiên nhiên, thi hào Nguyễn Du đã cho chúng ta thấy cả một bức tranh xuân tuyệt diệu.
Xuân đến, rồi xuân lại đi. Xuân – Hạ – Thu – Đông cứ lần lượt theo nhau, vạn vật cứ luôn luôn chuyển biến. Đây là chân lý “Chư hành vô thường, vạn vật lưu chuyển”. Và đây cũng là chân lý phổ biến ở thế gian. Con người nếu cứ e ngại nơi biến hoá vô thường rồi nắm giữ trạng thái đình chỉ, thì đó là trở ngại cho sự phát triển, tiến hoá và tiến bộ của nhân loại. Cho nên, mọi sự thay đổi tiến hoá ở thế gian, phải là một niềm vui chung cho tất cả mọi người trong cuộc sống hôm nay.
Sự thay đổi biến thiên của vũ trụ vạn vật chỉ là thay đổi phần hình thức, còn phần thực tướng của vạn vật là thường trụ. Sống trong thế giới biến hoá, đổi thay nhưng Tâm ta không rơi vào trạng thái hư vô mà vẫn thường vẳng lặng, an nhiên tự tại. Như thế con người sống cùng với vũ trụ mãi mãi với đất trời thảo mộc, sống với mùa xuân trường cửu của tự nhiên. Ngoài mùa xuân biến hoá theo thời gian và không gian còn có mùa xuân miên viễn không bị thời gian chi phối, không bị không gian ngăn cách. Đó là Xuân an lạc trong tâm con người, là Bản lai diện mục, là Đông quân bản hữu (Chúa Xuân) trong mỗi chúng ta.
Theo sự vận hành của tự nhiên, mỗi độ xuân về khắp núi rừng Hương Sơn lại được tô điểm sắc mầu, muôn hoa khoe sắc, hoa mơ nở rộ, hoa gạo đỏ rực… thấp thoáng điểm màu khắp các triền núi. Con người và đất trời Hương Sơn đang mở rộng vòng tay đón tao nhân mặc khách, những người con trở về hành hương trẩy hội, chiêm bái Hương Tích cổ động, để được thả hồn mình hoà nhập với thiên nhiên miền sơn lâm phúc địa dưới sự chở che của mẹ Quán Âm.
“Hương Sơn một giải lâm khê
Vân du giá hạc đi, về sớm hôm
Toà sen ngự giữa sơn môn
Nam Thiên đệ nhất, động còn thiên thu”
Hành hương trẩy hội mùa xuân là nét đẹp của dân tộc Việt Nam vốn có tự ngàn xưa. Trở về miền đất tâm linh dấu Phật – một Đức Phật Việt Nam – Phật Bà chùa Hương. Nét đẹp đó mãi mãi trường tồn trong thời gian vô cùng và không gian vô tận.
Như chúng ta đều biết, lễ hội là một dạng thức hoạt động văn hoá tổng hợp của con người, là một hình thức hữu hiệu để phổ quát những giá trị văn hoá dân tộc, truyền bá những giá trị phi vật thể của một cộng đồng hay của cả một dân tộc. Hơn nữa, lễ hội còn là một nhu cầu tâm linh chính đáng không thể thiếu của nhân loại khi mà Phật giáo đã được bản địa hoá, phù hợp với đời sống của một cộng đồng hay của một địa phương.
Chỉ trong lễ hội con người mới có dịp thăng hoa những biểu cảm nội tâm, những phẩm chất tốt đẹp của mình, con người mới có dịp hoà nhập vào không khí chung lễ hội để tạo thành niềm vui chung của một làng quê, của một vùng trong ngày lễ hội.
Lễ hội chùa Hương cũng không ngoài dạng thức văn hoá truyền thống ấy. Đây là lễ hội đậm nét của đạo Phật Việt Nam, người tín ngưỡng đạo Phật và lễ hành hương trong năm chiếm 85% số du khách. Mật độ con người cộng với trường độ không gian và thời gian vô cùng rộng lớn khiến cho nơi đây xứng danh là lễ hội vui nhất trời Nam.
Kể từ khi vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497) đi tuần thú phương Nam lần thứ hai tới đây và chư tiền Tổ chống Tích trượng khai sơn đến nay, với chiều sâu lịch sử, bề dầy văn hoá truyền thống đã tô bồi cho vùng thiên nhiên hùng vỹ này một bức tranh “Kỳ sơn tú thuỷ” mà bút thần khôn tả.
Trải qua 11 đời Tổ sư truyền đăng tục diệm, từ sơ Tổ khai sáng đến nay nối tiếp nhau kiến tạo, hoằng dương chính pháp. Danh thắng và lễ hội chùa Hương ngày càng mở rộng và phát triển trên bình diện lớn. Khi các Tổ sư chống tích trượng, dựng thảo am ở Hương Sơn là xây dựng nơi quy ngưỡng để “Chiêm giả khởi kính” đối với ngôi Tam bảo, tô bồi nơi danh lam của đất nước cho thế nhân thưởng ngoạn. Được như vậy là đã làm tròn trọng trách giữa đạo Phật và dân tộc, giữa đạo Phật và cuộc đời.
Khi nắng ấm đã hoà quyện đất trời, sự cảm thông hoà hợp đã xoá đi những hàng rào dị kiến. Mối giao cảm giữa con người và thiên nhiên, giữa đời và đạo khi mùa xuân đến.
Chầm chậm xuân về, lòng đất chuyển
Nhạc trời thanh thoát, rộn muôn phương
Tâm linh một thoáng bừng giao cảm
Lặng hết bao nhiêu lớp sóng cồn
Trời đất hân hoan, nghinh xuân tựu
Lễ Phật mùa xuân, chật nẻo đường.
Hãy thả trôi những phiền muộn bộn bề thường nhật nơi Yến giang, để trở về với “Kỳ sơn tú thuỷ” đắm mình trong vòng tay của bà mẹ thiên nhiên, dưới sự chở che của mẹ hiền Quán Thế Âm.
Non Hương, mạnh xuân Quý Mão PL.2566
Sơn Nam