ĐỂ QUẦN THỂ CHÙA HƯƠNG XỨNG TẦM LÀ DTQG ĐẶC BIỆT

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận 9 Di tích Quốc gia Đặc biệt. Trong danh mục các di tích đủ tiêu chí xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt, có danh thắng Quần thể chùa Hương Tích và khu vực Hương Sơn. Dẫu là di tích “đi trước về sau” nhưng di tích này có đặc thù riêng biệt: Tọa lạc rải rác trên dải núi đá vôi Hương Sơn (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) vi vút gió ngàn. Bà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho người dân Việt một tuyệt phẩm về thắng tích “Biệt chiếm nhất Nam thiên”, “ Nam Hương Tích, Bắc Phổ Đà”.

Quần thể danh thắng chùa Hương Tích và khu vực Hương Sơn bao gồm phức hệ núi non, hang động, thảm thực vật, thuỷ văn, hệ động vật và hệ thống đình, đền, chùa, nằm rải rác quanh khu vực núi Hương Sơn. Đa số các di tích dựa vào sườn núi hoặc nằm ở thung lũng có địa thế đẹp để kiến tạo nên di tích, tọa lạc rải rác trên địa bàn các thôn: Yến Vĩ, Đục Khê, Hội Xá, Tiên Mai và Phú Yên. Các di tích này chia làm 3 tuyến chính: Tuyến Hương Thiên bao gồm các đền, chùa và động: Đền trình Đục Khê, Đền Ngũ Nhạc, đình Yến Vỹ, hang Sơn thủy hữu tình, chùa Thiên Trù, động Đại Binh, chùa Tiên Sơn, chùa Giải Oan, đền Trấn Song, động Hương Tích và chùa Hinh Bồng; Tuyến Long Vân Hương Đài gồm Chùa Thanh Sơn, động Hương Đài, chùa Long Vân, động Long Vân; chùa Cây Khế và hang Sũng Sàm; Tuyến Tuyết Sơn gồm Đền Trình Phú Yên, chùa Bảo Đài, chùa Cá, chùa Tuyết Sơn và am Phật Tích (theo Lý lịch di tích Quốc gia đặc biệt Quần thể Chùa Hương Tích và khu vực Hương Sơn).

Cũng như các ngôi chùa Việt, Quần thể chùa Hương Tích và khu vực Hương Sơn được cổ nhân xây dựng để thờ Phật. Quần thể danh thắng này có sự độc đáo, đặc biệt mang tên “Hương Tích” (tức dấu vết thơm tho), nên việc thờ Phật ở đây cũng có những đặc điểm khác của các chùa làng. Theo Phật thoại thì trong tâm thức của người Việt, chùa Hương Tích là một địa danh được nhắc đến nhiều vì đó là “nơi lưu dấu thơm của Phật” Quán Thế Âm,  một vị Phật do dày công tu luyện ức vạn triệu năm, có lòng từ bi nên Ngài có thể nghe thấy những tiếng kêu than nhỏ nhất của chúng sinh đau khổ ở mọi nơi. Kinh Pháp Hoa ghi rằng: Khi gặp khổ đau, người ta tụng niệm pháp danh của Ngài thì Ngài đem phép nhiệm màu cứu giúp. Ngài có phép thần thông biến hoá, có thể hiện ra ở các sắc tướng khác nhau: có lúc là nam tướng, nữ tướng hay Đức vua và Hoàng hậu…

Không gian quần thể di tích chùa Hương Tích và khu vực Hương Sơn hầu như hình tượng Phật Bà Quán Thế Âm luôn bao trùm trong các di tích. Các hang động, động – chùa khác ở Quần thể chùa Hương Tích và khu vực Hương Sơn như: Động Hương Tích, hang chùa Thanh Sơn, động Hinh Bồng, động Long Vân, hang Sũng Sàm… đều có ánh sáng kỳ ảo, hình thù nhũ đá ly kỳ, khách hành hương mặc tưởng tới sự trợ duyên của Đức Phật Bà từ bi vô lượng. Theo Phật thoại, thời Lê Thánh Tông (1460 – 1497) chùa được phát hiện và đây là nơi lưu dấu và hành trạng của Phật Bà Quán Âm.

Các chùa trong quần thể danh thắng chùa Hương Tích và khu vực Hương Sơn, ngoài việc thờ Phật theo phái Đại Thừa, thờ Phật Bà Quán Âm, còn có điện thờ Mẫu (Tam tòa thánh mẫu). Riêng đền Cửa Võng là nơi thờ Thanh Y công chúa, tục gọi là bà chúa Thượng Ngàn, huý là Sơn Tinh Triều Mường công chúa Lê Mại đại vương và 12 thị nữ tiên cô là người dân tộc thiểu số.

Ngoài việc tôn thờ Đức Phật Quán Thế Âm và Mẫu, đến thế kỷ XVII, quần thể danh thắng này xuất hiện thêm các chùa, hệ thống tượng Phật nhiều hơn. Các bia đá “Hương Tích động Thiên Trù bi ký”, lập năm Cảnh Trị 05 (1667) ở vách đá động Hương Tích, bia “Thiên Trù tự bi ký” lập năm Chính Hoà  7 (1686)… cho thấy sự ghi chép tu sửa, tôn tạo, hưng công, tạc tượng, đúc chuông và văn thơ đề vịnh của Chúa Trịnh, của các quan Nghè, quan Đốc học… với chùa Hương suốt từ thời Lê đến thời Nguyễn. Chùa – động  là nơi bài trí tiếp các vị  Phật tổ, La Hán, các tượng Tam giáo đồng nguyên (Phật – Lão – Nho) nhưng trung tâm vẫn là tượng Phật.

          Nổi bật nhất trong quần thể danh thắng này là hức hệ núi non kỳ vỹ, điệp điệp trùng trùng, với các dải thạch nhũ muôn hình vạn trạng mà dân gian đã gọi bằng những các tên dân giã như cây vàng, cây bạc, chuồng lợn ao bèo… gắn với tín ngưỡng nông nghiệp. Tô điểm cho phức hệ núi non là thảm thực vật, hệ thống thủy văn và môi sinh phong phú, tôn lên chốn Tổ đình Tùng lâm Hương Tích.

Ngày 06 tháng 6 năm 2012, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có văn bản số 1764 / BVHTTDL – DSVH về việc lập hồ sơ xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Quần thể chùa Hương Tích và khu vực Hương Sơn. Đây là văn bản pháp lý khẳng định giá trị đặc biệt của quần thể thắng tích này. Trong tương lai gần, Quần thể chùa Hương Tích và khu vực Hương Sơn sẽ trở thành di tích Quốc gia đặc biệt xứng tầm của Thủ đô và cả nước cùng du khách Quốc tế. Vì thế, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng đặt ra một cách cấp thiết. Trong đó, những vấn đề như bảo vệ môi trường, trùng tu tôn tạo các di tích, giữ gìn cảnh quan không gian lễ hội, phát triển du lịch bền vững là những vấn đề nổi cộm, cần giải quyết một cách thấu đáo và cụ thể.

 

                                                                                                    Kiến văn