Sau sự kiện năm Giáp Ngọ, những cánh chim côn bằng mải miết bay về phương Nam, những bậc long tượng đành phải ẩn mình sau lũy tre xanh, dưới những mái chùa cổ kính, để rồi bên lề lịch sử những chứng nhân của thời đại vẫn tiếp tục viết lên những trang sử oai hùng của 2.000 năm PGVN. Hòa thượng Tố Liên, một bậc Tăng trung hào kiệt đã để lại những dấu son chói ngời trong sự nghiệp của lịch sử Phật giáo thế kỷ 20. Hành trạng của Ngài đã được thế hệ hậu côn của Tăng già tìm về qua Hội thảo Hòa thượng Tố Liên (1903 – 1977) trong sự nghiệp xây dựng Phật giáo Việt Nam và Phật giáo thế giới.
- Tưởng niệm và tri ân
Vào buổi sáng, từng đoàn xe nối đuôi nhau dừng trước cổng chùa trả khách. Ai nấy đều phấn khởi, khẩn trương. Trong phòng khách đã thấy chư Tôn đức giáo phẩm trong Giáo hội như nhị vị đại lão Hòa thượng trên 90 tuổi trong chiếc áo nâu sồng giản dị theo lối cổ, H.T Thích Phổ Tuệ, hiện nay là Pháp chủ Giáo hội PGVN và chư tôn thiền đức, các nhà nghiên cứu cùng một số vị quan chức, học giả… Bên ngoài, Tùng lâm Quán Sứ trang nghiêm cờ phướn, biểu ngữ rợp trời và nhiều giá sách, tư liệu và các nhóm sinh viên và thanh thiếu niên. Thật là hiếm có cuộc hội thảo nào chuẩn bị công phu và kỹ lưỡng như vậy. Các bộ tài liệu về toàn bộ chương trình đều được phát rộng rãi cho các chư Tôn đức và khách mời. Ngoài ra 5 tập Di cảo của HT Thích Tố Liên gồm: Ký sự phái đoàn Phật giáo Việt Nam đi Ấn Độ và Tích Lan, Sự lý lễ tụng, Tịnh Độ sám nguyện, Nguyên nhân tục đốt vàng mã, Tập Trích lục những bài viết của Hòa thượng Thích Tố Liên (từ 1950-1953) và một số bài báo đăng trên Tạp chí Văn hoá Phật giáo… còn có một số tư liệu, thông tin về H.T Thích Tố Liên chưa được công bố.
Trong hội trường, công việc chuẩn bị đã hoàn tất trong không khí trang nghiêm, thành kính tri ân. Để tiện cho đại chúng dễ theo dõi toàn bộ hội thảo, một chiếc loa truyền thanh và màn hình lớn, projector được bố trí bên ngoài sân.
Trong buổi lễ khai mạc, Đ.Đ Thích Đức Thiện – Chánh Văn phòng Phân viện Nghiên cứu Phật học đã giới thiệu sơ lược về Ban Chứng minh, Ban Điều hành và chương trình tổ chức hội thảo. Trong bài phát biểu của Đại lão HT Thích Phổ Tuệ có đoạn:
“…Từ ngày Hòa thượng Thích Tố Liên viên tịch tới nay đã 30 năm. Trong 30 năm đó, nhiều sự thay đổi lớn đã diễn ra, đặc biệt trong sự nhận thức, chuẩn mực đánh giá các nhân vật, các sự kiện lịch sử. Và sự thay đổi đó ngày càng đem đến cái nhìn gần thật tướng, gần chân lý hơn. Tâm tĩnh thì chân tự hiện, vọng tự tan…
Hòa thượng Thích Tố Liên là bậc xuất trần Thượng sĩ, hành Bồ tát đạo. Ngài đi ra thế giới trong các chuyến Tây du và Đông du một cách bình thản và tự tin đến kinh ngạc người đời, với tâm lực vô ngại, vô úy thí của bậc thiện tri thức. Hội thảo này là để “ôn cố nhi tri tân” và nhắc nhở đạo lý “ẩm thủy tư nguyên”. Hy vọng là sau hội thảo này, chúng ta sẽ trưởng thành hơn, tiếp bước vững vàng hơn trên con đường mà chư Phật, chư Tổ đã, đang và sẽ đi”…
Tiếp theo, HT Thanh Tứ, HT Đức Nghiệp kể lại những kỷ niệm, những điều mắt thấy, tai nghe về hành trạng của cụ Tố Liên khi còn tại thế. Hội thảo diễn ra theo đúng chương trình đã chuẩn bị, có nhiều bài phát biểu, nhiều tư liệu mới, thông tin mới chưa được công bố. Không khí hoan hỉ, xúc động, đoàn kết trên tinh thần xây dựng bao trùm cả hội thảo. Không ai bảo ai, do sự gia hộ của Giác linh Ngài chăng, mà chư Tăng Ni, Phật tử đều nhất trí, hoan hỉ, tự tâm… Với tâm nguyện, trước tác, di đức, tiếp dẫn hậu lai, và hơn thế nữa, H.T Tố Liên – Hoa sen Phật không màu, tinh khiết, vô nhiễm mà ngát Đạo hương của Phật giáo Việt Nam và Thế giới.
Căn cứ vào các tư liệu gốc, các bài phát biểu của những nhà quản lý nhà nước liên quan đến Phật giáo cho thấy, HT Thích Tố Liên là một nhà yêu nước lớn, có nhiều đóng góp trực tiếp hay gián tiếp cho công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam. Hành trạng mà Ngài để lại, đặc biệt là tinh thần thực sự là một nguồn tài sản vô giá đối với Phật giáo, dân tộc cần được khai thác và sử dụng để phục vụ Đạo pháp, dân tộc và quảng đại nhân dân.
Quả thật hầu hết các ý kiến của H.T Phổ Tuệ, HT Đức Nghiệp, HT Thanh Tứ, GS Lê Mạnh Thát, TT Bảo Nghiêm đều có câu: “ Ngày…tháng… năm… tại Chùa Quán Sứ này, tại giảng đường này, HT Thích Tố Liên đã…” vang lên tác động mạnh vào tiềm thức của những người Phật tử, đặc biệt là những nhân chứng và lớp Phật tử trẻ. Giác linh của Tổ đang lan tỏa đâu đây. Một bậc Sa môn Bồ Tát giới chân chính, chắc hẳn Tổ đang tịch diệt, trong suốt, bất động như thần thái của biệt hiệu Tố Liên mà Tổ đã mang thuở sinh thời.
Hội thảo kết thúc trong niềm hoan hỷ, viên mãn của chư vị Hòa thượng, chư Đại đức, Tăng Ni và các nhà nghiên cứu Phật học với nhiều bức hình kỷ niệm thân thương tại sân trước Đại điện Tùng lâm Quán Sứ.