HÒA THƯỢNG THÍCH THANH CHÂN (1905 – 1989)

Hòa Thượng thế danh là Nguyễn Thanh Chân, pháp danh Thích Thanh Chân, hiệu Nhẫn Nhục Thiền Sư, sinh ngày 4/10/1905 tại thôn Quỳnh Trân, xã Nam Cầu Hạ (nay là xã Nam Hạ ), huyện Duy Tiên, tỉnh Nam Hà. Sinh ra trong một gia đình Nho học có truyền thống, nên Ngài đã được giáo huấn nghiêm túc ngay từ khi còn nhỏ, nhất là được ông anh trưởng trực tiếp dìu dắt về nho học.

Năm 15 tuổi, Ngài phát tâm xuất gia tu hành, y vào Đại Sư Thích Thanh Tích, giám tự Hương Sơn lúc đó. Năm 17 tuổi sau khi thụ giới Sa Di, Ngài bắt đầu du phương sam học, thời kỳ đầu học nho ở Cụ Tú Bát Tràng rồi cụ Cử Đồng Bào…sau đó học Phật tại Thiền viện Phúc Khánh (Bằng Sở) dưới sự chỉ dạy của Đại sư Phan Trung Thứ (Thanh Cát). Sau khi được thụ giới Tỷ khiêu năm 21 tuổi, Ngài tiếp tục học Phật và nhận chức đương gia tại Chùa Quỳnh Trân nơi quê nhà.

Năm 30 tuổi, Ngài trở về Hương Tích tiếp tục tinh nghiên giáo lý và được tổ Thanh Tích chọn người kế cận, Ngài được cử làm Giám viện. Khi giặc Pháp phá chùa Thiên Trù (Năm 1947, 1948, 1950) các sư tản cư, Ngài một mình ở lại trông nom, tu sửa gắn bó với cảnh chùa, với nhân dân. Năm 1956, Ngài chính thức trụ trì Chùa Hương cho đến khi viên tịch.

Ngoài việc tu hành, Hòa thượng còn là một công dân yêu nước nồng nàn, một thành viên tích cực của Giáo Hội. Hòa thượng tham gia mặt trận Việt Minh các cấp liên tục từ sau cách mạng 1945, là Ủy viên thường trực mặt trận Liên khu 3 suốt thời gian kháng chiến. Sau khi hòa bình lập lại, Hòa thượng liên tục giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh Hà Đông, Hà Tây, Hà Sơn Bình và tham gia Hội đồng nhân dân tỉnh 6 khóa liên tục. Về hoạt động Giáo hội, ngay từ sau Cách mạng tháng Tám, Hòa thượng là một trong số những vị sáng lập Hội Phật giáo cứu quốc với cương vị Ủy viên thường trực và chủ bút báo Diệu Âm, tiêng nói của Phật giáo yêu nước thời đó.

Sau ngày hòa bình lập lại (1954), Hòa thượng đã tích cực vận động thành lập một tổ chức Phật giáo thống nhất và là một trong số những người sáng lập. Năm 1956, Hòa thượng cùng đoàn đại biểu Phật giáo đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh xin phép thành lập Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam. Năm 1958, hội Phật giáo ra đời, Hòa thượng tham gia Ban Trị Sự Trung ương và Ban Chứng minh Đạo Sư, trực tiếp làm chi hội trưởng tỉnh Hà Đông, Hà Tây, Hà Sơn Bình.

Năm 1975, hai miền Nam – Bắc thống nhất, trước sự đòi hỏi thống nhất các tổ chức hệ phái Phật giáo, Hòa thượng là một trong những người có nhiều đóng góp xây dựng để Giáo hội Phật Giáo Việt Nam ra đời. Tại đại hội đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981, Hòa thượng được bầu làm Phó Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và giữ chức vị này cho đến khi viên tịch.

Năm 1988, khi bệnh duyên tài phát, Hòa thượng được đưa ra điều trị tại bệnh viện Hữu Nghị Việt-Xô. Được sự tận tình cứu chữa của các Giáo sư, Bác sĩ, sự chăm sóc chu đáo của các đệ tử và Phật tử, nhưng vì tuổi cao sức yếu, bệnh duyên quá nặng, Hòa thượng đã thu thần thị tịch ngày 12 tháng giêng năm Kỷ tỵ tức 17-2-1989, thọ 85 tuổi, 62 hạ lạp.

Trong suốt cuộc đời tu hành và tham gia các tổ chức Giáo hội cũng như xã hội, Hòa thượng luôn luôn tỏ ra là một người mẫu mực, tiêu biểu, có ý thức trách nhiệm cao để hoàn thành mọi trách vụ của Đạo và Đời. Do đó Hòa thượng đã có tín nhiệm rộng rãi đối với Đảng, Nhà nước, Chính quyền, với Giáo hội, với Tăng Ni, Phật tử và nhân dân địa phương.

                                                                                                Non hương – Mạnh đông
Hậu duệ T.M.H