NHÂN DUYÊN HY HỮU-PHO TƯỢNG ĐẶC BIỆT

(Chuyện Tt.Thích Minh Hiền bái kiến đức Dalai Lama thứ 14 và được trao tặng pho tượng Phật)

Nhân dịp Lễ khai hội Chùa Hương và ra mắt 02 cuốn sách “Chùa Hương xưa nay” và “Tranh bích họa Tây Tạng – Murals of Tibet”, chúng tôi có thiện duyên ngồi thưởng trà với Thượng tọa Thích Minh Hiền – trụ trì chùa Hương – và có rất nhiều câu chuyện đặc biệt, thú vị và bất ngờ. Buổi tối hôm đó ấn tượng mãi trong chúng tôi và rất nhiều bài học đã học được. Đó là những bài học về công nghệ in sách, ngôn ngữ học, tiếng Việt-Mường, nghệ thuật Phật giáo, âm nhạc Phật giáo, kiến trúc Phật giáo,…

Tuy nhiên, câu chuyện hôm nay tôi muốn kể lại là một pho tượng đặc biệt với một chuyến đi rất đặc biệt.

Chuyện xảy ra cách đây gần 4 năm và chính xác là ngày 26 tháng 11 năm 2015. Khi đó Thượng tọa Thích Minh Hiền dẫn đầu một đoàn các quý thầy và Phật tử Việt Nam hành hương về đất Phật và viếng thăm trụ xứ của Ngài Dalai Lama thứ 14. Ngoài Thượng tọa Thích Minh Hiền còn có các Đ.đ Thích Minh Đồng, Đ.đ Thích Minh Hợp và quý Phật tử chùa Hương  trong đó có anh Doãn Tần-Pd.Chính Tâm, một Phật tử thuần thành và đầy nhiệt tâm.

Chuyện rằng trước khi rời Việt Nam đi Dharamsala-India  anh Doãn Tần đã liên lạc với văn phòng của Ngài Dalai Lama để thông báo sẽ có đoàn chư Tăng và Phật tử Tùng lâm Hương tích Việt Nam đến bái yết và mong muốn được  đỉnh lễ Ngài. Với sự tận tâm hiếm có của anh Doãn Tần, văn phòng của Ngài trả lời rằng đồng ý và sẽ tiếp đoàn nếu như đức Dalai Lama có thời gian.

Thế rồi, khi đến Dharamsala – bang Himachal ngày 25.11, ngay chiều tối anh Doãn Tần đã tức tốc lên tu viện Namgyal trước để mang theo danh thiếp của Thượng tọa Thích Minh Hiền trình cho văn phòng của Ngài Dalai Lama . Các thành viên trong đoàn náo nức  hy vọng được gặp và đỉnh lễ Ngài. Khoảng 21giờ tối hôm đó anh Doãn Tần về và báo tin mừng là đức Dalai Lama đã đồng ý tiếp đoàn .

Sáng hôm sau đoàn đi bộ từ Hotel lên tu viện Namgyal. Sau khi làm một số thủ tục cần thiết Đoàn vào trong khu nội viện .Trong lúc cả đoàn đang tham quan ngoài sân, phía trước văn phòng của đức Dalai Lama thứ 14 (tức Tenzin Gyatso) thì Ngài bất ngờ xuất hiện. Ngài tiến lại và ôm thân mật Thượng tọa Thích Minh Hiền . Ngài Dalai Lama nói rất to, rất vui 2 chữ “Việt Nam” nhiều lần.

Tất cả đều không cầm được nước mắt. Những giọt lệ đạo vị cứ tự nhiên trào dâng. Thật vô cùng xúc động. Xúc động đến lạ thường và bất ngờ đến khó tin. Tất cả trong niềm hạnh phúc như tình phụ tử đã thất lạc nhau nhiều năm nay mới được gặp lại. Một niềm hạnh phúc bội hỷ  tràn ngập mà có lẽ cả kiếp người cũng không thể có được.

Rồi Ngài Dalai Lama mời cả đoàn vào văn phòng riêng của Ngài. Ngài nói chuyện thân mật. Ngài ban phúc lành (Bleesing-Kata) đến chư Tăng và các Phật tử trong đoàn. Anh Doãn Tần rất hạnh phúc vì lần đầu tiên trong đời được gặp Ngài, đươc Ngài ân cần cầm tay và chúc phúc.

Bạn biết không, khá nhiều người Việt Nam, nhất là giới trí thức, có may mắn đến dự các pháp hội tại Dharamsala và được nghe Đức Dalai Lama thuyết pháp. Thật là tuyệt vời. Bởi Ngài được coi như một vị Thánh Tăng là Phật sống. Tất cả đều ngưỡng mộ trí tuệ của Ngài. Theo truyền thống của người Tây Tạng, Đức Dalai Lama là vị thần bảo hộ có năng lực nhất của Tây Tạng. Ngài đã được trao tặng giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1989 vì tinh thần Phật pháp “trí tuệ” và “sự thật” về một xã hội công bằng, một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho muôn người.

Đấy. Cá nhân tôi suốt mấy chục năm nay  tu học cũng chỉ mơ ước một lần được đỉnh lễ Ngài dù là từ xa, được nghe Ngài giảng Pháp, dù chỉ một lần. Bởi tôi đã nghe khá nhiều bài giảng của Ngài trên mạng rồi. Chuyện gặp trực tiếp Ngài luôn là ước mong rất giản dị nhưng thật lớn lao.

Ngài Dalai Lama đã dành nửa buổi sáng ngày 26 tháng 11 năm 2015 để tiếp và nói chuyện với Rinpoche Thích Minh Hiền và cả đoàn. Thật Đạo vị, thật ấm cúng và xúc động khôn tả . Tràn ngập năng lượng từ bi vô tận.

Cuối buổi tiếp là một sự kiện vô cùng hy hữu  và đáng nhớ: Đức Dalai Lama sai thị giả mang một pho tượng Phật được mạ vàng trao cho Rinp. Minh Hiền. Pho tượng rất đẹp với kích thước khoảng 40 cm. Cả đoàn bất ngờ và hạnh phúc đến ngỡ ngàng. Ngài cũng tặng thêm cho hai Đại đức 2 pho tượng Phật nhỏ xíu nữa. Cũng rất tinh sảo và vô cùng ý nghĩa. Theo truyền thống Kim cương thừa Tạng truyền, chỉ có nhân duyên vô cùng hy hữu Dalai Lama mới trao truyền tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni .

Một chi tiết mà có lẽ không phải ai cũng biết. Đó là để đảm bảo an ninh, tất cả hành lý và đồ đạc của tất cả mọi thành viên trong đoàn đều phải để lại phía ngoài cổng tu viện. Bức ảnh mà quý vị và các bạn đang ngắm là do chính một vị Khenpo trong văn phòng của đức Dalai Lama chụp và gửi tặng cho Thượng toa ngay chiều hôm đó. Thật xúc động và vô cùng ấn tượng .

Tôi có mặt tại chùa Hương ngày đầu mùa xuân Kỷ hợi. Cầm trên tay cuốn sách “Truyện Phật Bà Chùa Hương” của Tôn sư Thích Viên Thành đã xuất bản cách đây 20 năm. Tôi ngỏ lời xin Thượng tọa Minh Hiền cho tái bản. Thầy liền đồng ý ngay. Tôi muốn in ngay cuốn sách này để Thượng tọa trụ trì tặng thật nhiều người. Tôi cũng muốn mang đi tặng ngay. Càng sớm càng tốt. Bởi rất nhiều người nói với tôi rằng Đức Dalai Lama thứ 14 là hiện thân của Phật Bà Quan Âm.

Cần in ngay để thật nhiều người có trong tay Phật Bà của Việt Nam chúng ta. Cần in ngay để gieo duyên thiện lành đến thật nhiều người, càng nhiều càng tốt. Chúng tôi dự kiến sẽ in ngay 10.000 bản ngay trong lần tái bản đầu xuân này.

Bỗng nhiên tôi muốn đến 3 nơi: Tibet, Dharamsala và Bhutan. Chiều nay tôi sẽ bay đi Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ cho 3 ngày của diễn đàn xuất bản toàn cầu. Về Việt Nam, tôi muốn về ngay chùa Hương đến ngắm lại bức tượng Phật quý này và để ngắm và xem kỹ hơn cuốn sách kỷ lục thế giới ““Tranh bích họa Tây Tạng” với tên gốc tiếng Anh là “Murals of Tibet”.

Xin biết ơn câu chuyện hy hữu vô cùng. Xin chúc mừng những ai đã có mặt trong chuyến đi. Xin chúc mừng những ai đã được nghe đức Dalai Lama giảng. Xin thành tâm chúc mừng hết thảy những ai đã và sẽ được Phật Bà chở che và tận độ.

                                                                                                            Hà thành, đầu xuân Kỷ Hợi
                                                                                                        T.S Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng