NGHỆ THUẬT PHẬT GIÁO TRONG DÒNG CHẨY VĂN HOÁ

Làng Yến Vỹ có non Hương Tích
Bao khí thiêng đất Việt đúc nên
Phật Quan Âm ngự tòa sen
Mười phương quý tiện đua chen tìm về

Từ xa xưa, chùa Hương đã được coi là Đạo tràng của Bồ Tát Quán Thế Âm ở đất Việt. Hình tượng Phật Bà Quán Âm trong nền văn hóa dân tộc là hình ảnh rất quen thuộc của người dân Việt Nam, hiếu thuận, thương người, nhẫn nhịn, độ lượng, bao dung.

“Với hai chữ nhân – hiếu, hình tượng Đức Quán Âm không phải là điều gì xa xôi, huyễn hoặc như một số ngộ nhận, nó có sẵn trong lòng người, bàng bạc trong thôn xóm Việt Nam, trở thành truyền thống văn hóa dân tộc, quy chuẩn đạo đức văn hóa. Nó siêu việt thời gian – không gian và có thể nói là biểu tượng của nền văn hóa Bách Việt” – Thượng tọa Thích Minh Hiền – trụ trì Tùng Lâm Hương Tích đời thứ 12 – mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.

Tùng Lâm Hương Tích thường gọi là chùa Hương có diện tích khoảng 5131 ha nằm rải rác trên địa bàn 6 thôn: Yến Vỹ, Đục Khê, Hội Xá,Hà Đoạn,Tiên Mai và Phú Yên thuộc địa phận xã Hương Sơn huyện Mỹ Đức,thành phố Hà Nội. Quần thể danh lam thắng cảnh chùa Hương bao gồm mười tám đền chùa hang động, phần lớn được phát hiện và xây dựng vào các thế kỷ XVII, XVIII, XIX đều có địa thế đẹp dựa vào sườn núi hoặc nằm dưới thung lũng. Trải qua 6 thế kỷ kể từ khi ba vị Hòa thượng đời vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497) tìm thấy động Hương Tích và dựng lên thảo am Thiên Trù cùng với Phật thoại, đây là nơi đức Quán Thế Âm Bồ Tát đắc đạo sau 9 năm tu hành trong động Hương Tích, chùa Hương đã trở thành Đạo tràng thờ Bồ Tát Quán Thế Âm. Cũng chính vì sự linh thiêng của chùa Hương, sự nổi tiếng của “Sự tích Phật bà chùa Hương” cùng cảnh quan “kỳ sơn tú thuỷ” nơi đây đã thực sự là một trung tâm văn hoá Phật giáo Việt Nam. Từ hàng trăm năm nay, mỗi độ xuân về, hàng triệu du khách thập phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương – chuyến hành hương linh thiêng về miền đất Phật, là một trong những lễ hội xuân lớn nhất ở miền Bắc và trở thành nét văn hóa mang đậm bản sắc Việt.

Trong suốt 3 tháng, nhà chùa phối hợp với Ban Tổ chức Lễ hội của huyện phục vụ công tác tổ chức,quản lý, để đáp ứng nhu cầu tham quan, tín ngưỡng của du khách trong không khí trang nghiêm thanh tịnh với tinh thần tôn vinh nét đẹp truyền thống văn hóa Việt. Dưới sự chỉ đạo của Thượng tọa Thích Minh Hiền – trụ trì chùa Hương, 15 vị đại đức, 10 vị sư bác cùng với phật tử và nhân dân trên địa bàn huyện Mỹ Đức, lễ hội chùa Hương luôn được tổ chức chu đáo theo nghi lễ truyền thống của Phật giáo Việt Nam. Cụ thể mùa lễ hội năm 2015, nhà chùa đã tổ chức 5850 khóa lễ ( tu tập, quy y, cầu an…) cho các Phật tử thành tâm cúng dàng Tam Bảo và lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì hòa bình độc lập dân tộc. Nhà chùa nghiêm cấm những việc làm trái với giáo lý Phật giáo như mê tín, bói toán, đồng bóng và truyền đạo trái phép. Bên cạnh đó, nhà chùa còn in ấn các ấn phẩm để biếu, tặng Phật tử, du khách về trẩy hội lễ Phật, lễ Tổ như: Tạp chí Chùa Hương (15.000 bản), đĩa DVD Khánh đản Bồ Tát Quán Thế Âm (5.000 đĩa), tạp chí Văn hóa Phật giáo (1.500 cuốn) và kinh Ngũ bách danh (1.000.000 bản)… nhằm giáo dục nếp sống văn hóa một cách nhẹ nhàng, tế nhị, nhấn mạnh tính giáo hóa trong lễ hội.

Không chỉ chăm lo công tác Phật sự, nhà chùa còn ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho các trung tâm khuyết tật, hàng vạn gói quà cho các cụ già không nơi nương tựa và trẻ em thuộc diện khó khăn trên địa bàn thành phố Hà Nội,kết hợp với Lục lạc vàng tổ chức tặng 40 con bò cho 20 hộ có hoàn cảnh khó khăn tại hai xã Hợp Thanh và Hồng Sơn của huyện Mỹ Đức. Trong 6 năm liền, nhà chùa đã tổ chức xây dựng được 6 ngôi nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách tại xã Hương sơn. Một việc làm đáng kể nữa là theo sáng kiến của Thượng tọa Thích Minh Hiền, sau 3 năm khởi xướng, ngày 1/4 Ất mùi, Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức đã chính thức làm lễ động thổ khởi công xây dựng công trình Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên diện tích gần 8.000m2 tại phố Văn Giang, thị trấn Đại Nghĩa, nơi Bác đã về thăm ngày 7/10/1961. Đây là công trình hết sức có ý nghĩa do nhà nước và nhân dân cùng làm, được Thượng tọa dành nhiều tâm huyết và thầy đã thay mặt chư Tăng-Phật tử chùa Hương phát tâm ủng hộ hàng chục tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn trùng tu các di tích như chùa Thiên Trù, động Hương Tích, các chùa Tuyết Sơn, Long Vân, Thanh sơn, Giải Oan… thường xuyên được nhà chùa tu bổ với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng mỗi năm để đáp ứng nhu cầu hành hương lễ Phật của du khách.

Để thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ kể trên đòi hỏi thầy trụ trì phải quán xuyến với biết bao lo toan khó nhọc. Vậy mà khi tôi đặt vấn đề viết về thầy, thầy từ chối nhẹ nhàng mà cương quyết: “Thầy không làm được gì nhiều đâu. Còn biết bao thầy khác xứng đáng để viết hơn thầy…”. Thế là tôi đành lái câu chuyện sang hướng khác bằng cách nhờ thầy giải thích thêm về chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với việc gợi mở, bồi dưỡng và định hướng kiến thức giáo lý cho thanh thiếu niên – công việc mà chùa Hương thực hiện rất tốt trong thời gian qua.

Theo thầy Thích Minh Hiền, việc bồi dưỡng niềm tin trong giới trẻ, hướng các em đến những giá trị chân – thiện – mỹ là vấn đề rất được Giáo hội quan tâm. Chính vì vậy, trong thời gian gần đây, tháng nào nhà chùa cũng tổ chức sinh hoạt văn hóa cho thanh niên, sinh viên Phật tử tại địa phương. Đặc biệt trong dịp lễ Khánh đản đức Quán Âm (19/6 âm lịch) nhà chùa tổ chức trại hè Hương Sen đại bi, đón  bốn, năm nghìn cháu học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở trong toàn huyện về dự. Mục đích của chương trình là tạo không gian văn hóa tu học cho các cháu với tôn chỉ Từ bi, trí tuệ, giải thoát và tín tâm,dũng mãnh, tinh tiến. Tại đây, các cháu được nghe giảng giáo lý, trau dồi kiến thức, kỹ năng sống thông qua các hoạt động và trò chơi tập thể. Từ đó hướng các cháu đến hạnh hiếu, biết tri ân và báo ân tới ông bà cha mẹ trong gia đình, thầy cô và những người xung quanh.

Ngoài 3 tuần mùa Khánh đản (19/2, 19/6, 19/9 âm lịch), vào thứ bảy, chủ nhật tuần đầu tiên hàng tháng, tại ba địa điểm là chùa Hương, chùa Hưng Khánh và chùa Sùng Đức đều đón từ 100 đến 200 em học sinh, sinh viên về tu học. Tại chùa các em tự nấu ăn, tự làm mọi việc và được gia giáo từ thấp đến cao để trang bị cho mình một kỹ năng sống thiện tâm, có ích cho đời. Việc làm này đã được thầy Thích Minh Hiền duy trì đều đặn suốt nhiều năm qua trên tinh thần Phật hóa nhân gian.

Giữ cương vị Phó Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt nam tp. Hà Nội, Phó Tổng Biên tập tạp chí Văn hóa Phật giáo, Thượng tọa Thích Minh Hiền luôn làm tốt công tác hoằng pháp Phật giáo theo quan điểm Đạo trong đời, nên làm điều thiện, tránh làm điều ác suốt hai mươi năm qua. Cùng với đó là rất nhiều hoạt động văn học nghệ thuật thi ca hội họa được tổ chức thu hút sự quan tâm của Phật tử khắp cả nước. Theo Thượng tọa Thích Minh Hiền: “Nghệ thuật Phật giáo mà trong đó hội họa, điêu khắc, kiến trúc, nhiếp ảnh, âm nhạc và thi ca đã hòa quyện vào truyền thống tâm linh và được sử dụng không chỉ để làm phương tiện hoằng truyền Phật pháp mà còn là đối tượng để quán tưởng thiền định”. Trong 5 năm vừa qua, những hoạt động văn hóa Phật giáo ở khắp các tỉnh thành rất phát triển, các cuộc triển lãm ảnh, những phòng tranh, các chương trình ca múa nhạc Phật giáo đã được tổ chức. Như “ Hương sen màu nhiệm “ trong đó đáng kể nhất là chương trình “Việt Nam Phật tâm ca” do chính thầy đảm trách gồm 15 tác phẩm, trong đó có 2 ca khúc đặc sắc: Tiếng chuông trên đảo Trường SaViệt Nam Phật tâm ca của Phât tử Diệu Thiện Cù Lệ Duyên – Phó Chủ nhiệm khoa Lý luận – Sáng tác – Chỉ huy Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Theo thầy Thích Minh Hiền, nhạc phẩm Việt Nam Phật tâm ca có ca từ thuần túy Phật giáo, giai điệu hùng tráng trang nghiêm. Còn nhạc phẩm Tiếng chuông trên đảo Trường Sa mang lời ca da diết, tình cảm – cũng chính là tiếng chuông thức tỉnh ý thức của con dân đất Việt về chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Từ thủa thiếu thời, Thượng tọa Thích Minh Hiền đã phát nguyện xuất gia đầu Phật, suốt ba mươi năm qua mang trên vai muôn ngàn khổ lụy đoạn trường để giúp cho bao người an lành về bến Giác. Thầy đã trải qua sự khổ luyện để đến ngày hôm nay có thể sử dụng thông thạo nhiều cổ ngữ, am hiểu rất chính xác và tinh tế về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, có thể tự tay vẽ những bức tranh như một họa sĩ đích thực, thực hiện các tác phẩm chạm khắc gỗ,đá hết sức điêu luyện như một nghệ nhân thực thụ.

Là một người đa tài, tâm hồn phong phú, nhạy cảm và tinh tế nên việc thầy làm thơ, viết tùy bút, tản văn không làm tôi ngạc nhiên. Nhưng việc thầy là một nhiếp ảnh gia Phật giáo có uy tín đã có hàng chục triển lãm nhiếp ảnh nghệ thuật Phật giáo thì tôi thực sự bất ngờ.

Còn rất nhiều điều bút giả có thể viết về thầy Thích Minh Hiền nhưng câu chuyện đã kéo dài hơn hai giờ đồng hồ – một sự lạm dụng lòng tốt của thầy khiến tôi áy náy.Ra về, Thầy tiễn tôi bằng hai câu thơ:

Trọn đời làm đá mang nghiệp núi
Nghe vẳng luân hồi dạ vẫn say.

 Và cũng được nói thêm “Nghiệp thầy trọn đời làm đá núi mà”. Nhưng tôi biết thầy là đá núi lâu năm, rất lâu năm – nay đã thành ngọc, một loại ngọc núi vô cùng quý báu giữa bộn bề cuộc sống thực-hư hỗn độn./.

                                                                      Hà thành,vũ hạ an cư – 2015