Lễ hội là một dạng thức hoạt động văn hóa tổng hợp của con người, là một hình thức hữu hiệu để phổ quát những giá trị văn hóa dân tộc; truyền bá những giá trị phi vật thể của một cộng đồng hay của cả một dân tộc. Hơn thế nữa, Lễ hội còn là một nhu cầu tâm linh chính đáng không thể thiếu được của nhân loại khi mà tôn giáo đã được bản địa hóa, phù hợp với đời sống của một cộng đồng hay của một địa phương.

Chỉ trong lễ hội con người mới có dịp thăng hoa những biểu cảm nội tâm, những phẩm chất tốt đẹp của mình, con người mới có dịp hòa nhập vào không khí chung lễ hội để tạo thành niềm vui chung của một làng quê, một vùng trong ngày hội.

 

Lễ hội chùa Hương – Hà Nội của chúng ta không ra ngoài dạng thức văn hóa truyền thống ấy. Hàng năm khi mùa xuân đến, hoa xuân nở rộ khắp các triền núi Hương sơn, hàng triệu Phật tử cùng tao nhân mặc khách khắp bốn phương lại nô nức trẩy hội – hành hương về nơi tâm linh đất Phật – đốt một nén tâm hương và thả hồn mình hòa nhập với thiên nhiên miền Sơn lâm Phúc địa. Chúng ta đều biết, thắng cảnh chùa Hương là một khu trội nổi các di tích Phật giáo. Lễ hội chùa Hương là lễ hội đậm nét của đạo Phật Việt Nam, người tín ngưỡng đạo Phật và hành hương trong năm chiếm 85% du khách. Mật độ con người cộng với trường độ không gian và thời gia vô cùng rộng lớn khiến cho nơi đây xứng danh là lễ hội vui nhất trời Nam.

 

Kể từ khi vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497) đi tuần thú phương Nam lần thứ II tới đây và Chư tiền Tổ chống Tích trượng khai sơn đến nay, với chiều dài lịch sử và bề dầy văn hóa truyền thống đã tô bồi cho vùng thiên nhiên hùng vỹ này một bức tranh “Kỳ sơn tú thủy” mà bút thần khô tả.

Trải qua 11 đời Tổ sư tục diệm truyền đăng – từ Tổ khai sáng đến cố Thượng tọa Thích Viên Thành – nối tiếp nhau xây dựng và hoằng dương chính pháp, danh thắng và lễ hội chùa Hương ngày một mở rộng và phát triển trên một bình diện lớn. Khi các Tổ sư chống tích trượng, dựng thảo am ở Hương Sơn là xây dựng nơi quy ngưỡng để “Chiêm giả khởi kính” đối với ngôi Tam bảo, tô bồi nơi danh lam của đất nước cho thế nhân thưởng ngoạn. Được như vậy là đã làm tròn trọng trách giữa đạo Phật và dân tộc, giữa đạo Phật và cuộc đời.

 

Giờ phút này, khi nắng ấm đã hòa quyện đất trời, sự cảm thông hòa hợp đã xóa đi những hàng rào dị kiến. Mối giao cảm giữa con người và thiên nhiên, giữa “đời”“Đạo” khi mùa xuân đến.

Chầm chậm xuân về, lòng đất chuyển
Nhạc trời thanh thoát, rộn muôn phương
Tâm tĩnh một thoáng bừng giao cảm
Lặng hết bao nhiêu lớp sóng cồn
Trời đất hân hoan, nghinh xuân tựu
Lễ Phật mùa xuân, chật nẻo đường

Kỳ vọng chúng ta sẽ gặp nhau ở cảnh đẹp nhất trời Nam trong vòng tay của Bà mẹ giang sơn vào mùa xuân trẩy hội chùa Hương.

NAM MÔ HƯƠNG TÍCH SƠN – QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT MA HA TÁT.

 

KHAI HỘI CHÙA HƯƠNG XUÂN QUÝ MÃO

Khai hội Chùa Hương Quân Quý Mão 2023 – Thượng tọa Trụ trì đọc lời...

NGHỆ THUẬT PHẬT GIÁO TRONG DÒNG CHẨY VĂN HOÁ

Làng Yến Vỹ có non Hương Tích Bao khí thiêng đất Việt đúc nên Phật...

ĐẠO PHẬT Ở HƯƠNG SƠN

Trong tâm hồn của dân tộc Việt nam thật đã sẵn có mầm mống tinh...