ĐẠO PHẬT Ở HƯƠNG SƠN

Trong tâm hồn của dân tộc Việt nam thật đã sẵn có mầm mống tinh thần Phật giáo. Đạo Phật với dân tộc Việt nam trong gần 2.000 năm nay, bao giờ cũng theo nhau như bóng với hình trong sinh hoạt toàn dân. Đã là viên đá nền tảng cho văn hóa dân tộc, lẽ dĩ nhiên Phật học Việt nam vĩnh viễn phải là một yếu tố bất ly của cuộc sống toàn diện. Hiện nay, ảnh hưởng hào nhoáng của một nền văn minh vật chất ngoại lai đang ồ ạt xâm nhập, nhưng cơ bản của nền văn hóa dân tộc đang còn bền chặt, khiến cho người Việt nam dù có bị lôi cuốn phần nào trong một thời gian, nay cũng đã hồi đầu trở lại với cội nguồn yêu dấu ngàn xưa.

Hôm nay đây, trong không khí của đất nước đang chuẩn bị bước vào một mùa xuân mới, giữa khung cảnh trang trọng của cuộc hội thảo “Hương sơn – Nam thiên đệ nhất động”, chúng ta nhìn lại dấu ấn của tiền thân nơi Hương sơn danh thắng, lấy chứng tích của quá khứ hào hùng để xây dựng cho hiện tại và tương lai huy hoàng tráng lệ.

Thắng cảnh Hương sơn là một khu trội nổi các di tích Phật giáo. Lễ hội Hương sơn là lễ hội đậm nét của đạo Phật thuần túy, có tới 85% số khách đi trẩy hội là những người tín ngưỡng đạo Phật về lễ hành hương thường kỳ hàng năm.

Nơi đây đạo Phật được truyền vào ngay từ khi phát hiện ra hang động. Theo một số tài liệu mới tìm được do chúng tôi khảo cứu thì vào thời Lê Thánh Tông thế kỷ thứ XV, có 3 vị Hòa thượng chống tích trượng tới đây tu hành. Hàng ngày vào động Hương tích lễ tụng – tọa thiền, tối lại ra khu vực Thiên trù ngủ nghỉ. Hồi đó, Thiên trù còn là một thung lũng hoang vu, ba vị Hòa thượng lần lượt dựng lên một thảo am để trú ngụ tránh mưa nắng. Sau thời kỳ ba vị Hòa thượng viên tịch thì nơi đây gián đoạn trụ trì. Tên tuổi của các Ngài cũng không ai nhớ rõ. Di tích của các ngài để lại đến nay chỉ còn 2 ngôi mộ cổ bằng đá xanh được đục đẽo thô sơ trong vườn tháp Thiên trù. Ngay khoa cúng Tổ ở Hương sơn cũng gọi là “Tỵ Tổ Bồ tát” và các Ngài thuộc dòng phái nào cho đến nay cũng chưa được rõ.

Đến năm 1678 – niên hiệu Chính hòa mới có Hòa thượng Trần Đạo Viên Quang ở Ty Tăng lục (thời Lê lập ra Ty Tăng lục để coi sóc và quản lý các vị tu hành) chống thiền trượng tới đây tái lập cảnh Phật ở Hương sơn.

Sau khi ngài Viên Quang thị tịnh, chùa lại bị gián đoạn khoảng 20 năm. Tới năm 1707 nhân dân Hương sơn bèn đến thỉnh Đại sư Thông Lâm thuộc dòng thiền Lâm tế ở Hòa khê về trụ trì. Ngài có 3 vị pháp tử đắc pháp là: Hòa thượng Tâm Chúc, Thanh Hữu và Thanh Quyết tiếp đèn thuyền truyền trì mạng mạnh của chốn Tổ Hương tích. Hòa thượng Thanh Hữu kế tiếp trụ trì được một thời gian thì giao cho Hòa thượng Thanh Quyết  tiếp đèn thuyền truyền trì mạng mạch của chốn Tổ Hương tích. Hòa thượng Thanh Quyết là một vị danh Tăng đương thời, học thức uyên bác, phẩm hạnh thanh cao. Các nho sĩ bấy giờ đã tôn là “Tăng trung hào kiệt” người thay thế trụ trì Hương tích là đại sư Thích Thanh Tích. Đại sư Thanh Tích tu tập Đại bi chân ngôn và trì tụng Đại bát nhã, hoằng truyền Mật giáo, tùy cơ duyên tiếp chúng độ nhân. Hơn nữa lại được các quan lại và giới Nho sĩ trợ giúp về mặt hoằng truyền Phật pháp nên chùa Hương ngày càng sầm uất nguy nga. Ngài có hơn 100 đệ tử danh Tăng như các Hòa thượng: Tố Liên, Thanh Chân, Thanh Uẩn, Thanh Khanh, Thanh Nga, Thanh Châu… Hòa thượng Thanh Chân kế đăng trụ trì Hương tích. Qua bao bước thăng trầm, binh hỏa, tang thương, ngài vẫn không giao động, kiên tâm bền trí duy trì mạng mạch của Phật tổ, vững lái thuyền từ qua bao cơn gió dập sóng dồn, có thể nói Ngài là người đã trọn đời sống cho Đạo Pháp. Hòa thượng khêu tiếp ngọn đèn của ân Sư, hoằng truyền Thuyền tông và Mật giáo, mở trường đào tạo giáo dục Tăng tài, tiếp ngộ độ mê không phân biệt quý tiện, sang hèn. Đồng thời để thể hiện đời – Đạo là một thể, ngài còn tham dự dân quyền quốc chính, phát huy truyền thống yêu nước của Tăng sĩ và Phật tử Hương sơn. Hơn nữa, đối với Giáo hội Phật giáo, ngài là một trong số những vị đầu tiên đắp nền xây móng cho ngôi nhà Phật giáo Việt nam nói chung và Hà tây nói riêng. Hòa thượng còn tổ chức quy hoạch, vạch phương hướng cho công cuộc tái thiết Hương sơn. Khu vực chùa Hương được như bây giờ phần lớn chính là nhờ công lao đóng góp ban đầu của Hòa thượng.

Lịch sử đất nước cũng có lúc thăng trầm nhưng không thể bị hủy diệt. Phật giáo cũng vậy, sự hiện diện gần 2000 năm ở Việt nam là một chứng tích. Qua dòng lịch sử truyền thừa ở Hương sơn, chúng ta có thể thấy rõ điều đó. Hành trạng của các Thiền sư ở Hương sơn dẫu có dị biệt tùy duyên khi ứng cơ tiếp vận song không xa rời cái “ bất biến” tông chỉ của Phật tổ. Nền văn hóa Phật giáo ở Hương sơn đã được bản địa hóa, phù hợp với nhận thức của con người đương thời. Đức Quán âm Bồ tát (Avalokitesvaha Boddhisattva) đã thành Phật bà chùa Hương – hình ảnh một người mẹ với tình thương bao la trong lòng người dân Việt.

Khi các Thiền sư chống tích trượng, dựng thảo am ở Hương sơn, là dựng xây nơi quy ngưỡng, để “Chiêm giả khởi kinh” đối với ngôi Tam bảo, tô bồi nơi danh lam của đất nước cho thế nhân du ngoạn. Có như vậy là đã làm tròn trọng trách giữa đạo Phật và dân tộc, giữa đạo Phật và cuộc đời.

Giờ phút này khi nắng ấm đã hòa quyện đất trời, sự cảm thông hòa hợp đã xóa đi những hàng rào dị kiến. Mối giao cảm giữa con người và thiên nhiên, giữa đời và Đạo khi mùa xuân đến. Đó là điều hy hữu trong lịch sử đạo Phật ở Hương sơn.

Chầm chậm xuân về lòng đất chuyền
Nhạc trời thánh thoát rộn muôn phương
Tâm linh một thoáng bừng giao cảm
Lặng hết bao nhiêu lớp sóng cồn.
Trời đất hân hoan nghinh xuân tựu
Lễ Phật mùa xuân trật nẻo đường.

Cho đến hôm nay, thắng cảnh Hương sơn đã và đang phát triển thịnh vượng. Phật giáo ở Hương sơn cũng đang hưng long và đi vào quy củ. Cứ đà này chắc chắn thời gian không xa nữa, thắng cảnh Hương sơn sẽ trở thành kỳ quan của khu vực Đông nam Á và di sản văn hóa của nhân loại.