HẠNH NGUYỆN CỦA BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM

       Nhận lời thỉnh mời của Thượng tọa trụ trì Thích Minh Hiền, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã về tham dự lễ hội kính mừng ngày Khánh đản của Bồ Tát Quán Thế Âm 06 tháng 04 năm 2015, nhằm ngày 18 tháng 02 năm Ất Mùi PL2558 – DL2015 tại chùa Hương và thuyết pháp cho các tăng ni Phật tử.

      Dưới đây là thời pháp của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm tại Hương nghiêm Pháp đường:

Mỗi một vị Bồ tát trong danh thể hiện hạnh nguyện của mình. Như Bồ tát Quan Âm thể hiện lòng đại từ đại bi, tầm thanh cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh, Bồ tát thường bất khinh, luôn coi trọng mọi người, Ngài được ví như vị Phật tương lai… mà mình thì như một chúng sinh bé nhỏ. Đối với các vị Bồ đề hữu tình khi tinh tiến tu tập để thành đại nguyện nhưng khi đại nguyện đã thành thì lại trở về thành Bồ tát để độ cho hữu tình. Học hạnh của Bồ tát là hạnh lợi lạc cho chúng sinh, lấy việc độ cho chúng sinh làm hạnh nguyện cao cả của mình…Luật tạng trong đó có rất nhiều kinh nói về Hạnh nguyện của Bồ tát.

Bồ tát không ở đâu xa mà ở trong lòng chúng ta, tất cả mọi người ở đây, ai cũng có tâm Phật, ai cũng có tâm Bồ tát. Làm được việc gì cứu giúp mang lại niềm vui cho người khác, đều là một vị Bồ tát. Vị nào chuyên đi làm bếp nấu ăn cho người khác không nề hà, thì đó là Bồ Tát thường nấu ăn. Vị nào chuyên quét sân chùa, thì gọi là Bồ tát thường quét chùa. Những năm 63 có Hòa thượng Thích Quảng Đức  đã phát nguyện hiến thân mình làm ngọn đuốc đòi chế độ Ngô Đình Diệm phải chấm dứt chiến tranh, vì một nền hòa bình tươi sáng. Ngài tự thiêu, nhưng trái tim của Ngài thì bất diệt. Trái tim của Ngài đã làm cho cả thế giới phải rung động. Phật giáo tôn vinh Ngài là Bồ tát.

Bồ tát Quán Âm mà chúng ta nghe đây, học hạnh của Ngài, Bồ tát Quán Âm cũng như các vị Bồ tát khác, trong hệ thống đại thừa kinh điển Phật giáo Bồ tát Quán Âm được nhắc nhở nhiều nhất ở nhiều kinh điển Đại thừa. Rõ ràng nhất là kinh Diệu pháp liên hoa, Nam mô tối thượng thừa viên giáo Liên hoa kinh, đây là bộ kinh được đức Phật nhắc tới trước giờ phút nhập Niết bàn, như trong kinh đã nói: Một nhà vua cầm quân đánh giặc, khi đất nước khải hoàn hòa bình, nhà vua bắt đầu ban lộc, nhưng duy nhất, chỉ có một viên ngọc trên búi tóc của nhà vua, dành cho người nào có công trạng lớn nhất. Cũng như vậy, kinh Diệu pháp liên hoa cho mọi người biết rằng, Phật đã thành, và chúng sinh cũng là Phật sẽ thành. Ai cũng có Phật tính, ai cũng sẽ trở thành Phật.

Trong kinh Diệu pháp liên hoa mà chúng ta thường trì tụng gồm 7 quyển, 28 phẩm. Phẩm 25 nói về nguyện Bồ tát Quan Âm còn gọi là Phẩm Phổ môn. Một bộ kinh nói về hạnh nguyện của đức Quán Âm nhiều nhất.

Kinh thứ hai là kinh Lăng nghiêm cho biết đức Bồ tát chứng được Nhĩ căn viên thông.
Kinh thứ ba là A Di Đà kinh nói tới Bồ tát Quán Thế Âm.
Kinh thứ 4, là kinh Dược sư, một bộ kinh cầu an cũng nhắc tới Bồ tát Quán Thế Âm.
Kinh Nhất thiết công đức trang nghiêm nói về công hạnh của đức Bồ tát Quán Âm hầu cận đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Kinh Hoa nghiêm nói tới Bồ tát Quán Âm tại đạo tràng Bổ đà lạc già sơn,

Tất cả các bản kinh đó và giải khắp lại hệ thống tam tạng kinh luật của Phật giáo đều đề cập tới hình tượng Bồ tát Quan Thế Âm và đã từ bao đời, chư Tổ của Phật giáo, tổ tiên của người Việt chúng ta đã tôn sùng thờ phụng Bồ tát Quan Thế Âm. Không một chùa nào của Đại thừa lại không thờ Bồ tát Quan Âm, không một tư gia nào không thờ và niệm Bồ tát Quan Âm.

Ở Trung Hoa, Nhật, các nước Đại thừa cũng tôn sùng, kính lễ và học theo hạnh nguyện của Bồ tát Quan Âm. Ở Trung Hoa có núi Phổ Đà thờ đức Phật bà Quán Âm, còn ở Việt Nam, nơi nào có chùa chiền và Phật giáo Đại thừa, nơi đó đều thờ phụng Bồ Tát Quan Âm. Đặc biệt có ba ứng tích như Hương Tích Sơn nơi chúng ta đang ngồi đây, nơi chúa Trịnh đã ghi lên vách núi Nam thiên đệ nhất động, tức là động đẹp nhất nước Nam, nơi đây có hẳn một bản truyện về Bồ tát Quan Âm được lưu truyền như sau:

Chân như đạo Phật rất mầu
Tâm trung chữ Hiếu niệm đầu chữ Nhân,
Hiếu là độ được song thân
Nhân là cứu độ trầm luân muôn loài.
Thần thông ngàn mắt ngàn tay
Cũng trong một điểm linh đài hóa ra,
Rằng trong bể nước Nam ta
Phổ môn có đức Phật Bà Quán Âm.
Niệm Ngài thường niệm tại tâm
Dẫn xem sự tích ca ngâm cho tường.

      Ở Hà Tĩnh, cũng có chùa Hương Tích, nơi đức Phật Quan Âm giáng thế.

  • Ở miền Trung như Đà Nẵng có Ngũ Hành Sơn thờ đức Phật bà Quan Âm.
  • Như vậy, ngay trong thời khắc huy hoàng, không chỉ 3 nơi trên cả nước mà còn có hàng triệu tăng ni Phật tử, đều hướng tới ngày Khánh đản của Ngài cũng như hàng ngàn ngôi chùa đều hướng về Ngài … Ta ngồi đây cũng như hàng triệu con người, động Hương Tích đây cũng như hàng ngàn ngôi chùa nước Việt đang nhớ đến Ngài. Vậy Ngài thế nào mà được tôn sùng đến như vậy?
  • Các chư Tổ đã soạn ra kinh Ngũ Bách Danh để cầu bái đức Quán Âm. Để rồi hôm nay đây, chúng ta được ơn gia hộ của Bồ tát Quan Âm, tại Tam bảo Thiên Trù, và động Hương Tích, để đỉnh lễ 500 hồng danh của Bồ tát Quán Thế Âm.
  • Hạnh nguyện của Bồ tát Quan Thế Âm được thể hiện qua kinh điển. Trong kinh điển giảng: Bồ Tát Quán Thế Âm là Bồ Tát Đa năng thương chúng sinh như mẹ hiền thương con nhỏ, “thị di đà y cực lạc quốc trung”. Ngài hầu cận đức Phật A Di Đà như trong kinh Nhất thiết công đức trang nghiêm vươngnói Ngài là vị Bồ tát chuyên tu về phép tu Nhĩ căn viên thông, để nghe tiếng khổ của đời mà cứu khổ cho đời. “Tầm thanh cứu khổ cứu nạn quảng đại linh ứng Quan Thế Âm Bồ tát ma ha tát”. Ngài tiếp dẫn chúng sinh về miền tây phương cực lạc.Đức Di Đà soi ánh vàng đạo sư… đức Bồ tát Quan Âm và các vị Bồ tát khác tràng phan bảo cái tiếp dẫn linh hồn về cõi Ta Bà.
  • Đức Phật Quan Âm luôn ở trong tâm trí chúng ta. Thưa chư tôn đức tăng ni, quý vị Phật tử, cũng trên mảnh đất Thiên Trù này, tại Hương Tích động, lậy Bồ tát Quan Âm,tôi đã thành tựu được nguyện hạnh. Từ năm 1975, khi tôi đi vào động Hương Tích lễ Ngũ Bách Danh từ lúc đó tôi đã phát nguyện hàng năm sẽ vào đây lễ bái Bồ tát Quan Âm và nguyện đi thanh tịnh, không tổ chức, không tiền bạc, không danh vọng, không bầu đoàn thê tử, mà chỉ nhất tâm nguyện đức Phật Quán Âm Bồ tát. Không biết có ai còn nhớ không, hồi đó, chùa Hương còn đơn sơ lắm, chỉ có một nếp chùa nho nhỏ, hồi đó, có Tổ Đệ thập, cố tưởng lão Hòa thượngThích Thanh Chân, và cho đến hôm nay, nhờ Bồ tát gia hộ mà tôi đã thành tựu 40 năm chưa bỏ một năm nào, đủ 40 năm 40 lần làm lễ Ngũ bách danh tại động Hương Tích. Và đây, hôm nay, tôi được đứng nơi đây, là lần đầu tiên tôi nhận lời làm pháp sư thỉnh giảng. Tôi chưa thuyết pháp bao giờ vào lúc nửa đêm gà gáy như này, chưa bao giờ. Tôi đã nhận lời Thượng tọa trụ trì chùa Hương Thích Minh Hiền mấy lần, tôi nói rằng, những ngày này, ngoài chùa kia đều bận cả, nhưng riêng năm nay tôi hứa sẽ vào mặc dù chiều nay tôi đã có một thời giảng pháp tại Quốc Oai nhưng tôi nguyện sẽ vào Hương để cảm tạ ơn gia hộ của đức Bồ tát Quán Âm chùa Hương, nơi tôi đã trải qua 3 đời trụ trì, 40 năm liền, mùa xuân năm nào cũng tắc đường vất vả khó khăn, nhưng tôi cũng qua được hết, vẫn trọn vẹn. Đó là nhờ ơn Bồ Tát gia hộ cho tôi. Hôm nay tôi xin nói về nguyện hạnh để đền ơn Bồ Tát và xin được hồi hướng cho toàn bộ mọi người tại đây.
  • Chính vì thế, nguyện hạnh của Bồ tát chẳng bao giờ nói hết được, hư không có thể thả hết, gió trời có thể ngăn hết, nhưng hạnh nguyện của Bồ Tát thì không ai có thể tán thán hết được.
  • Điều đáng chú ý nhất, đó là Phổ Môn thị hiện. Trong Phổ Môn thị hiện, Phổ có nghĩa là rộng, môn là cửa, đi qua, thông suốt. Phổ môn nghĩa là một cái cửa lớn trong tâm chúng ta. Trong 10 cõi pháp giới có 6 cõi phàm, 4 cõi thánh. Trong 4 cõi thánh có Phật, Bồ tát, A la hán, Thanh văn (gồm Độc giác và Duyên giác). Còn trong 6 cõi phàm gồm chư thiên, nhân, Atula, Súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục. Hai thứ trên hợp thành 10 pháp giới. 10 pháp giới sinh ra từ đâu? Từ một niệm tâm hiện tiền của chúng ta sinh ra. Và Phổ môn Bồ tát cũng từ tâm sinh ra.
  • Đức Phật vốn là một con người, nhưng là một con người vĩ đại, còn chúng ta, một con người khổ đau. Phật cũng là một chúng sinh mà đi lên, nhưng đó là chúng sinh bậc phi thường, còn chúng ta do nhiều tham sân si, tiền tài, danh vọng ăn ngon, ngủ ngon, nên chúng ta bị trôi lăn theo dòng sinh tử. Hàng ngày phải quán chiếu, chuyển hóa và loại trừ để hoàn thiện như đức Phật, đệ tử Phật, con Phật phải tu tập theo gương đức Phật, thầy sao thì trò vậy. Cha thế nào, thì con phải học thế đấy. Trong Phổ Môn, chúng ta phải quán sát bao gồm 10 ý nghĩa:
  1. Từ bi Phổ Môn:

Từ bi là phải song song chứ không chỉ là từ hoặc bi. “Từ năng dĩ lạc, bi năng bạt khổ”. Từ hay cho vui, bi hay cứu khổ. Bồ tát luôn cứu khổ cho chúng sinh. Ngài nguyện nếu còn chúng sinh nào còn đau khổ thì Ngài chưa thành Phật. Diệu trí của Ngài còn quán biết được chúng sinh và Phật đồng thể. Chúng sinh còn đau khổ nên bi tâm dấy khởi khiến Ngài thường hằng nghĩ đến việc cứu độ, quán ấy gọi là Bi quán. Đức Quán Âm lấy bi nguyện cứu khổ làm hạnh tu duy nhất nên thường tưởng nghĩ tới các phương tiện ban vui cứu khổ quán ấy gọi là Từ quán. Nên Phổ môn đầu tiên nói tới của hạnh Quan Âm là Từ bi Phổ Môn.

  1. Hoằng thệ Phổ Môn:

Các bậc Bồ tát, các bậc tổ sư, và cả chúng ta, mỗi Phật tử tại gia, mỗi Phật tử xuất gia cũng phải đặt cho mình một cái nguyện riêng. Như tôi nguyện được hàng năm vào động Hương Tích làm lễ Bách Danh, cầu đức Phật Quán Âm phù hộ cho con… Và Ngài đã chứng, đã gia hộ cho tôi.

Trong lịch sử Phật giáo có viết: “Thái tử Tất Đạt Đa sau sáu năm tu hành khổ hạnh trên núi không thành, khi ra khỏi rừng sâu đến bên bờ sông Ni-liên-thiền tắm rửa thì tay chân và thân thể không còn sức, Ngài ngã xuống đất hôn mê. May sao, có một người nữ chăn dê tên là Tu- xà- đa thấy thế liền mang sữa dê đến cho Ngài uống. Sau khi tỉnh lại, Ngài dần dần hồi phục được sức khỏe và đã ngồi thiền 49 ngày dưới gốc cây bồ đề, Ngài nguyện: “Cho dù thịt nát xương tan, cho dù, chưa đắc đạo ta thề chưa đứng lên”. Sau 49 ngày, Ngài đã thành đạo với danh hiệu Phật Thích Ca Mâu Ni.

Rồi 10 phương chư vị Bồ tát cũng có những lời phát nguyện, xưa kia còn tu hạnh Thanh văn, đã phát 48 lời thệ nguyện, nên sau này thành Phật A Di Đà Ngài lại độ chúng sinh.

Phật Dược sư khi tu hạnh Bồ tát, cũng có lập 2 đại nguyện: Lấy chúng sinh để làm đại nguyện: Đói cho ăn, khát cho uống, rét cho mặc.

Bồ tát Phổ Hiền: phát nguyện khuyến phát đạo tâm, trợ duyên tu tập, dẹp trừ ma chướng cho hành giả trên bước đường hành Bồ tát đạo. “Một là Lễ kính chư Phật. Hai là Xưng tán Như Lai. Ba là Quảng tu cúng dường. Bốn là Sám hối nghiệp chướng. Năm là Tùy hỷ công đức.
Sáu là Thỉnh chuyển pháp luân. Bảy là Thỉnh Phật trụ thế.
Tám là Thường tùy Phật học. Chín là Hằng thuận chúng sanh. Mười là Phổ giai hồi hướng.”

Bồ tát Địa Tạng: Địa ngục nếu còn, ta thề không thành Phật.

Bồ tát Quán Thế Âm: Nếu còn một chúng sinh nào còn kêu đau khổ, ta thề không thành Phật. Chúng sinh vô lượng thề nguyện đạo. Pháp môn vô lượng của Phật, tôi xin học tập, đạo phật cao vô thượng, tôi thề nguyện thành. Nên tôi khuyên tất cả các Phật tử tăng ni trẻ, ngày nào ta cũng nên phát nguyện. Tu Tịnh Độ, ta nguyện về Tịnh độ. Tu pháp môn nào, ta nguyện theo pháp môn đó. Đây là hoằng thệ nguyện của đức Quan Âm.

  1. Tu hành Phổ Môn

Do công năng tu hành Ngài tu 3 a tăng tỳ kiếp. Tu pháp môn Đà ra ni môn. Do Ngài Trì niệm chú Đại Bi mà Ngài vượt qua 3 a tăng tỳ kiếp. Nên các chùa chiền, các Phật tử đến các tăng ni tu sĩ đều trì trú chú Đại Bi để duyên thành đại ngộ, vượt qua 3 tăng tỳ kiếp như đức Phật Quán Âm. Còn Phật Tổ dạy: “Có công Phật Tổ mới thành. Không thời biển khổ lênh đênh đời đời.”Lẽ ra quý vị giờ này đang chăn ấm đệm êm nhưng nhờ có phát nguyện, chí thành khẩn thiết, nên ta ngồi đây để nghe về hạnh nguyện của Ngài và lát nữa lại sẽ thực hành lễ Ngũ bách danh lễ Phật đủ 500 lễ. Nên tu hành, rất cần. Tu, phải hành. Từ bi, hoằng thệ, và tu hành, là ba phép tu của Bồ tát Quan Âm. Đây là Nhân tu hành của Bồ tát Quán Âm. Nên phải Hành Bồ tát.

Chúng con cũng xin thệ nguyện theo hạnh Bồ tát của Ngài. “Độ chúng sinh” có nghĩa là như thế. Bác sĩ muốn chữa được bệnh cho người, trước hết bác sĩ phải chữa được cho mình. 10 phương chư Phật đều nhắm vào con người… “Nhân chi sơ tính bản thiện”, lấy con người làm đối tượng…chúng ta học được tinh thần từ bi, đức tu hành của Bồ Tát. Tu, tức là sửa, tu tâm, sửa tính.

  1. Đoạn hoặc Phổ Môn:

Đoạn hoặc có nghĩa đoạn những mê lầm. Chúng ta học Phật, để có chính kiến, trong Bát Chính đạo, đề cao chính kiến. Chính vì vậy, Bồ tát Quan Âm dùng trí viên thông phổ biến pháp giới, đoạn hoặc căn bản vô minh. Nhất đoạn tất cả đều đoạn, nên gọi rằng đoạn hoặc Phổ Môn.Ở đây, cố Hòa thượng và Thượng tọa tu về Mật tông, thì thành tựu về Mật tông, tu Tịnh độ, thì đạt thành tựu về Tịnh độ, sợ nhất là Tham. Cái gì cũng biết, nhưng không thạo cái gì. Không chọn cho mình pháp môn, không bao giờ thành công, phải nhập môn, như đức Phật Quan Âm, phải nhập môn như Ngài: “Nhĩ căn viên thông”. “Tầm thanh cứu khổ cứu nạn”, có nghĩa là Ngài nghe thấy hết âm thanh cứu khổ của mọi loài nên Ngài độ được cho chúng sinh.

  1. Nhập pháp môn Phổ Môn

Bồ tát Quán Âm đã thân chứng đến Nhĩ căn viên thông, rồi do nghe huân tập, do tu huân tập nơi Pháp môn Kim Cang Tam muội, và có bao nhiêu trăm ngàn Tam muội, hằng sa công đức mỗi mỗi đều phổ biến chứng nhập. Nên gọi là nhập Pháp môn Phổ môn. Ai tu gì cũng được, nhưng phải giỏi. Tất cả đều là độ cho chúng sinh ra khỏi mê hoặc.

  1. Thần thông Phổ Môn:

Tất cả các pháp môn đều là chủng chủng phương tiện độ pháp chúng sinh ra khỏi mê hoặc, thì Bồ tát thần thông Phổ Môn là nhĩ căn viên thông như trong kinh Lăng nghiêm. Nhân quá khứ đã tốt, nên quả hiện tại cũng tốt, còn giờ, gây nhân hiện tại tốt, thì quả tương lai cũng tốt. Hôm nay tôi niệm Phật nhất định ngày sau tôi về Tây phương Cực Lạc. Thần thông là chúng ta biết Viên nhãn thông, ta biết tất cả những gì xảy ra quá khứ hiện tại vị lai. Thần thông có sáu phép: Thiên nhãn, thiên nhĩ, túc mạng, tha tâm, thần túc, vô lậu thông.

Đấy là 6 phép thần thông Phổ Môn của Bồ Tát Quán Âm.

  1. Phương tiện Phổ Môn:

Các vị chúng ta ngồi nghe đây rồi chuyển hóa chồng, bạn bè, con cái, mọi người đều tin Phật, đấy là phương tiện Phổ Môn. “Nhược hữu quốc độ chúng sanh, ưng dĩ Phật thân đắc độ giả, Quán Thế Âm Bồ tát tức hiện Phật thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ Bích Chi Phật thân đắc độ giả, tức hiện Bích Chi Phật thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ Thanh Văn thân đắc độ giả, tức hiện Thanh Văn thân nhi vị thuyết pháp.”

Bồ Tát Quan Âm có phương tiện chuyển hóa 33 ứng thân thích hợp với căn cơ nghiệp chủng y báo của từng chủng loại trong 10 pháp giới chúng sinh để thuyết pháp. Thế nên ở phẩm Phổ Môn, đức Phật đã nêu rõ các ứng thân của Bồ tát Quán Âm như vậy, là nhằm biểu thị khả năng hoằng truyền kinh Pháp hoa một cách phổ cập của Bồ tát Quán Âm và chúng sinh có bao nhiêu ý niệm thì Bồ tát Quán Âm có bấy nhiêu hình thể thiền định để nhiếp phục ý niệm ấy. Nếu chúng sinh có vô tận ý, thì bản nguyện độ sinh của Bồ tát cũng vô cùng, mà ứng thân của Bồ tát cũng vô tận.

  1. Thuyết pháp Phổ Môn:

Có nhiều cách thuyết pháp. Truyền miệng, hoặc thầy viết một câu truyền cho trò một câu. Mọi người biết tới đạo Phật truyền cho nhau. Ngài Bồ tát Quan Âm cũng giống như một ngàn sông thì có 1000 bóng trăng soi, ở đâu có Phật tử, thì ở đó phải có những người hoằng trường Phật pháp. Hơn ai hết, các vị cũng thuyết hóa được mọi người, trước hết là người thân của mình, sau là người xung quanh. Bồ tát Quán Thế Âm ứng nghiệm 33 thân để thuyết pháp chúng sinh. Chúng sinh muốn ứng hiện thân nào, Ngài ứng hiện thân đó.

  1. Cúng dàng Phổ Môn

Các vị niệm Nam mô Bồ tát Quan Âm hoặc Phật bà Quan Âm.Ngài là Phật hay là Bồ tát? Ngài là cả hai! Về thực tế, Bồ tát thành Phật từ lâu rồi, nhưng vì độ chúng sinh, nên Ngài lui về làm Bồ tát để độ chúng sinh, để ra vào sinh tử cho dễ dàng. Thế nên Nam mô Bồ tát Quan Thế Âm cũng được, Phật bà Quan Âm cũng được. Ngài hiện ra rất nhiều thân, người nào cũng muốn niệm đức Bồ tát.

  1. Thành tựu chúng sinh Phổ Môn.

Bồ tát thành tựu chúng sinh bởi Ngài cứu độ chúng sinh. Quý vị vào chùa Hương đi qua các ngọn núi có nhiều hình tượng. Bồ tát cũng vậy, Ngài chặn lửa, chặn nước, hắc thông, la sát, gông, xiếng xích, và chặn Tham sân si lửa độc. Ngài cứu ta ra khỏi 3 cái tên độc. Khi đau khổ, người ta thường cầu Quan Thế Âm Bồ tát. Nếu người nào muốn cầu con trai, ta cho con trai, cầu con gái, ta cho con gái… Nên người phụ nữ, là người đau tát, Bồ tát hiện thân thành phụ nữ thành Phật bà Quan Âm nghìn tay ðể cứu nghìn nỗi khổ, nghìn mắt để nhìn nghìn nỗi khổ. Không đâu là không có Bồ tát, Ngài luôn phù hộ độ trì cho chúng ta. Vậy chúng ta cầu nguyện Bồ tát độ cho thế giới hòa bình, muôn người đoạn trường được ba tham, chúng ta cầu trí tuệ. Nên hôm nay, chúng ta tới đây để tưởng niệm, lễ bái Bồ tát, thì chúng ta phải học nguyện Bồ tát, bằng hạnh nguyện của Bồ tát Quan Âm ở Phổ Môn Thị Hiện. Tứ chúng đệ tử nhìn nhau thương nhau. “Mắt thương yêu đời”, “Từ nhãn thị chúng sinh”, sống hòa hợp, đoàn kết, tôn trọng, kính nể nhau thì chúng ta mới cảm được Bồ Tát. Niệm Bồ Tát không làm tội lỗi. Niệm Bồ tát Quan Âm thì không có chiến tranh binh đao, chúng ta mong rằng, hôm nay, đêm nay, tình thương mẹ hiền sẽ độ cho chúng ta được tinh tiến!

      Cầu xin mẹ hiền Quan Âm gia hộ cho chúng con! Nam mô Bồ tát Quán Thế Âm!

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm