HÌNH TƯỢNG ĐỨC QUÁN ÂM TRONG LÒNG NGƯỜI DÂN VIỆT

Mỗi năm khi mùa xuân đến, khí xuân tràn ngập núi rừng Hương sơn, hoa mơ nở trắng bao phủ một màu như tuyết trên các triền núi, lòng người cũng ấm áp hơn, thanh thản hơn chảy trôi theo mái chèo ngư phủ để nhập vào Thiên thai như Lưu – Nguyễn thuở nào:

Xuân hoà thụ sắc ái thương thương,
Hà trọng lâm thâm lộ điểu mang…

      Đất trời Hương sơn không chỉ đẹp ở chiều dài ngút ngát như Hoành sơn, ở chiều cao vời vợi như Lạp sơn Hy mã, mà còn đẹp ở lòng người khi hành hương về cõi tâm linh dấu Phật. Cho nên người xưa nói: Núi không cao thì cảnh chẳng kỳ, đường không khó thì lòng người khôn tỏ . Hơn nữa đây lại là dấu tích của đức Quán âm thị hiện. Hành trình về Hương sơn là trở về cội nguồn của từ bi và trí tuệ. Bởi lẽ Bồ tát Quán âm trong kinh Pháp hoa đã được Việt hoá hoàn toàn thành Quán âm Nam hải hay Phật bà chùa Hương. Hình ảnh một đức Phật hoá thân (Nirmàkàya) đến cuộc đời và sống trong đời để hoá độ chúng sinh qua biểu tượng một bà mẹ là hoàn toàn hợp duyên, thích ứng với nền văn hoá Bách Việt khi mà chế độ phụ hệ chưa hoàn toàn thay thế được chế độ mẫu hệ. Hoà nhập vào dòng người trẩy hội, chúng ta hãy lắng nghe tiếng niệm Phật, tiếng kể hạnh – đặc biệt là các bà mẹ già với chiếc áo dài nâu, tay lần tràng hạt:

“Chân như đạo Phật rất mầu
Tâm trung chữ hiếu niệm đầu chữ nhân
Hiếu là độ được đấng thân
Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài.
Thần thông nghìn mắt nghìn tay
Cũng trong một điểm linh đài mà ra
Rằng trong bể nước Nam ta
Chùa Hương có đức Phật bà Quán âm”.

       Biểu tượng nghìn mắt là biểu tượng của đại trí tuệ (Mahaprajna), biểu tượng nghìn tay là biểu tượng của đại từ bi (Mahamatri) cho nên bất cứ người nào có đủ trí tuệ, đại từ bi thì người đó chính là hiện thân của đức Quán âm. Hơn nữa chính danh hiệu (Bodhisattvà Avaloktèsvara) còn có nghĩa là người lắng nghe đau thương của cuộc đời, tiếng nhiệm mầu, tiếng thanh tịnh, tiếng sóng biển, tiếng siêu việt mọi thứ tiếng trên đời. Chúng ta thường xuyên quán niệm bản tính thanh tịnh và siêu việt của tiếng ấy, bởi vì trong mọi trường hợp tử sinh ách nạn, sự quán niệm ấy là con đường trở về, là đồng thể với pháp thân thanh tịnh của Như lai.

Thân đà hết bụi thân nên nhẹ
Bụt ấy là lòng Bụt há cầu.

      Khi thân tâm giải thoát hoàn toàn mọi trói buộc phiền não trần lao thì khi ấy Bụt lòng sáng tỏ, lúc đó không còn lo tìm cầu gì khác bên ngoài.
Tu hiếu hạnh để độ mình và thân nhân là tự độ, tu nhân hạnh để độ chúng sinh là tha độ. Như thế là làm tròn xứ mệnh “ thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sinh” theo tư tưởng Phật giáo đại thừa.

Trên thời báo hiếu sinh thành
Dưới thời nhân cứu chúng sinh Sa-bà
Cơ thân ngồi núi Phổ đà
Thân lên trên Phật, thân qua dưới đời.

       Với hai chữ nhân – hiếu hình tượng đức Quán âm không phải là điều gì xa vời, huyễn hoặc như một số ngộ nhận, nó có sẵn trong lòng người, nó bàng bạc trong thôn xóm Việt nam, nó là truyền thống văn hoá dân tộc, nó là quy chuẩn đạo đức siêu việt thời gian và không gian. Như thế hình tượng này có thể nói là biểu trưng của nền văn hoá bách Việt đồng thời nó cũng chiếm một địa vị vô cùng quan trọng trong niềm tin của người dân Việt nam. Hình tượng đức Quán âm là một hình ảnh của một ý chí kiên định như kim cương, một tình yêu bao la rộng lớn như biển thái bình, bao chùm cả gia đình và nhân loại.

“Làng Yến vỹ có non Hương tích
Bao khí thiêng đất Việt đúc nên
Phật Quan âm ngự toà sen
Mười phương quý tiện đua chen tìm về”.

      Hình tượng Phật bà Quán âm trong nền văn hoá dân tộc là hình bóng rất quen thuộc của người dân Việt nam chúng ta. Hiếu thuận, thương người, nhẫn nhục, độ lượng bao dung là những đức tính của người Việt nam vốn có tự ngàn xưa, đã được phát triển và thăng hoa ở mức độ cao cả nhất.
Hành trình về Hương sơn là trở về sự thanh thản nội tâm, là trở về cõi Bụt lòng khi đất trời giao cảm để đối diện với Đông quân bạn hữu.

“Tắc thị thiên địa giao nhi vạn vật thông dã, thượng hạ giao nhi kỳ chí đồng dã.”

 

Non Hương mạnh xuân