Lời Phi Lộ

Chùa Hương trời điểm lại trời tô
Một bức tranh tình trải mấy thu
Xuân lại xuân đi không dấu vết
Ai về ai nhớ vẫn thơm tho.

Những ai đã từng đặt chân đến với chùa Hương chắc hẳn sẽ có cùng cảm xúc như thi sĩ Tản Đà. Nơi khí thiêng của đất trời và lòng tịnh tín cùng tụ hội, khiến cho các tao nhân mặc khách như lạc vào cõi hư không lưu luyến mãi chẳng dời. Đến với chùa Hương không chỉ một lần, nhưng mỗi lần lại một cảm xúc khác nhau, vẫn cảnh vật ấy, vẫn ngôi chùa ấy nhưng dường ta mới đến lần đầu. Phải chăng chính dòng Yến giang đã gột rửa những phiền não lo toan của cuộc sống thế tục, những tòa cổ sái nguy nga, những khối kiến trúc thấp thoáng giữa trập trùng núi non, hay những tích truyện  mầu nhiệm về bà chúa Ba, hay 100 con voi chầu… khiến cho ta như lạc vào thế giới Đào nguyên. Không chỉ nổi tiếng là chùa có lễ hội lớn và dài nhất Việt Nam, nơi đây còn là ngôi nhà của hàng triệu thiện tín Phật tử hành hương trảy hội khi mùa xuân đến.

Kể từ khi vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497) đi tuần thú phương Nam tới đây và chư tiền Tổ chống tích trượng khai sơn đến nay, với chiều dài lịch sử và bề dầy văn hóa truyền thống đã phác hoạ nên bức tranh Kỳ sơn tú thủy thật xứng là nơi “đệ nhất Nam thiên”. Ngắm nhìn những bức ảnh chùa Hương từ những năm 1927 đến nay, cả một chặng đường lịch sử biết bao thăng trầm hiện ra trước mắt, đó mới biết để có ngày hôm nay chư Tổ đã dày công xây dựng và trùng tu nơi đây để Hương thơm của lòng từ bi, của trí tuệ mãi tỏa ngát muôn đời.

Dòng Yến giang không chỉ đẹp ở sự mênh mang bát ngát mà còn đẹp ở sự hiền hoà giữa hai triền núi, ngồi trên thuyền ngắm cảnh núi non, đò thuyền ra vào tấp nập, mọi người không quen nhau cũng thưa lời chào hỏi: “A di đà Phật” và kể hạnh Sự tích bà Chúa Ba, tạo ra nét văn hóa riêng biệt hiếm nơi nào có được.Theo dòng thời gian những chiếc đò gỗ năm nào đã lùi vào quá khứ, ngày nay chúng được thay bằng vật liệu bền chắc nhưng đó không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là con thuyền “Bát Nhã” trở  khách hành hương  đến với cõi Phật. Từ dốc Trò đi lên ngang qua nhà bia Thiên Trù (thường gọi là bia tổng đốc Hoàng Trọng Phu), là nơi lưu những minh văn quan trọng như “Trùng tu Hương Tích tự bi” do Hoàng Trọng Phu soạn năm 1924, đây là tấm bia có giá trị ghi lại lịch sử thù thắng của nơi đây… Cổng Nam thiên môn hiện ra ngay trước mắt được dựng theo kiểu “Ngũ môn tam cấp”, đây có lẽ là công trình được phục dựng hoàn chỉnh nhất sau khi bị chiến tranh tàn phá. Đầu thế kỷ XX Tổ Thích Thanh Quyết (1844-1912) – Hiệu Đôn Mẫn, Đệ bát Tổ – bắt tay vào quy hoạch trùng hưng toàn bộ  khu Hương-Thiên đây. Sau khi Tổ Thanh Quyết viên tịch (ngày 19 tháng 07 năm Nhâm Tý), Tổ Thích Thanh Tích (1881-1964) kế đăng trụ trì đời thứ 9 (Đệ cửu Tổ) tiếp nối hạnh nguyện trùng hưng của Tôn Sư còn dang dở. Tổ Thanh Tích tiếp tục việc xây dựng và hoàn thành vào năm 1924, khi ấy nơi đây được ví như tòa  lâu đài nguy nga với hàng trăm nóc. Nhìn hai tòa chung lâu và cổ các được xây dựng 2 tầng theo lối kiến trúc Đông-Tây kết hợp; Bảo điện nguy nga ngay trước mắt, tại hương án tiền đường những  tự khí được chế tác tinh xảo; chính điện trang nghiêm tố hảo.

Phạm vũ xưởng tân quy, Quyết chí trùng khai Tam bảo địa

Lầu đài y cựu chỉ, Thanh quang biệt chiếm nhất Nam thiên.

Đó là câu đối mà Tổ Thanh Tích dâng lên cúng dàng và tán thán Tôn Sư. Thế rồi, vào những năm 1947-1950 binh hoả tang thương, vật đổi sao rời, cảnh vô thường nào có ai hay. Một toà cổ sái-Phạm vũ nơi đây thành đống tro tàn gạch vụn, các công trình kiến trúc  bị phá hủy hoàn toàn. Ngắm bức ảnh cổng Nam thiên môn và hồ Song bán nguyệt sau khi chiến tranh tàn phá thật không khỏi sót xa ngậm ngùi. Song không phải vì thế mà nơi đây hương tàn khói lạnh. Từ đống gạch vụn tro tàn Tổ Thích Thanh Chân (1904-1989) – Kế đăng trụ trì đời thứ 10 – đã dựng lên dãy nhà năm gian gỗ lim (năm Mậu Tuất-1958) để làm Chính điện thờ Phât-Tổ. Đồng thời Tổ Đệ thập cũng đã vận động tái thiết trùng tu lại ngôi Tam bảo Thiên trù. Để rồi đến năm 1989 khi Ban xây dựng phục chế-tôn tạo chùa Hương được thành lập, H.T Thích Viên Thành (1950-2002) kế đăng trụ đời thứ 11 cùng đồ chúng đệ tử và thập phương dựng lại ngôi Tam bảo, Tổ đường, cổng Nam thiên môn,.. các hạng mục chùa Thiên trù cơ bản được tái thiết phục dựng. Sau khi Cố H.T Thích Viên Thành viên tịch, Thượng tọa Minh Hiền kế đăng trụ trì đời thứ 12 tiếp nối công việc còn nhiều dang dở, xây dựng tôn tạo nơi đây ngày càng trang nghiêm tố hảo. Như Hương nghiêm pháp đường, lầu Tứ thiên vương, chung lâu, Quan âm kiều đến Triều sơn lộ…vv. Chùa Giải oan – Am Phật tích hiện nay đã được trùng tu tôn tạo lại khang trang hơn rất nhiều. Cổng động Hương tích vẫn vậy, mầu đá xanh vẫn lưu dấu thủa nào, nhưng đường xuống và sân động đã được tôn tạo sửa sang để tiện cho thập phương vào lễ đức Quán âm, bảo điện trang nghiêm, tượng Bồ tát Quán âm tọa sơn vẫn từ bi tọa trụ nơi đây, đâu đó hình bóng Tổ đệ thập cùng Phật tử như vẫn đang hiện hữu hành trì lễ Ngũ bách danh… văng vẳng hồng danh “Namo Quán thế âm Bồ tát”.

Kể từ Tổ khai sơn đến nay, trải qua bao thăng trầm lịch sử, Chư Tổ sơn môn Hương tích vẫn nối tiếp trùng tu xây dựng và hoằng dương chính pháp, danh thắng và lễ hội chùa Hương ngày một mở rộng và phát triển trên một bình diện lớn. Khi các Tổ sư chống tích trượng, dựng thảo am ở Hương Sơn là xây dựng nơi quy ngưỡng để “Chiêm giả khởi kính” đối với ngôi Tam bảo, tô bồi nơi danh lam của đất nước cho thế nhân thưởng ngoạn. Được như vậy là đã làm tròn trọng trách giữa đạo Phật và dân tộc, giữa đạo Phật và cuộc đời. Thật đúng như câu đối tại Tổ đường đã ghi:

Tổ đạo bất tuỳ thương hải biến

Sơn môn vĩnh trấn nhất Nam thiên.

BẠT HẬU

Chùa Hương vốn được coi là Thánh địa Phật giáo của Việt Nam, nơi trác tích tu hành và thành Đạo của Bồ tát Quán thế âm. Kể từ khi Tổ Trần Đạo Viên Quang Chân nhân chống tích trượng tới đây dựng thảo am tu hành đến nay đã qua nửa thiên niên kỷ. Thời gian ấy, bên cạnh những những tích truyện, truyền thuyết về công chúa Diệu Thiện…nơi đây còn được các danh nhân, thi sĩ như Chúa Trịnh Sâm, Chu Mạnh Chinh, Cao Bá Quát, Tản Đà… lưu lại bút tích, thi ca để ca ngợi vẻ đẹp nơi đây. Trải qua một thời gian dài, nơi đây đã tạo dựng lên một bề dầy truyền thống, những nét văn hoá  với giá trị lịch sử được lưu truyền để  xứng với bốn chữ “đệ nhất trời Nam”. Không những giữ trọn cảnh quan thiên nhiên, món quà của đất Mẹ trao cho, nơi đây còn có cả những di sản tinh thần đã được hun đúc từ những người con Phật, của đất trời, khí phách của các bậc tiền bối để lại cho hậu thế, tất cả những điều đó đã bao phủ lên khắp núi rừng Hương Sơn nơi có cả bề rộng của không gian và bề dầy  lịch sử.

Một Thánh địa linh thiêng, một cảnh đẹp hùng vĩ, nơi các bậc hiền Thánh cùng tao nhân mặc khách tụ hội về. Ngày nay mỗi khi Xuân về muôn hoa khoe sắc, núi rừng nơi đây như khoác thêm bộ áo mới tràn đầy sức sống, đó cũng là thời điểm mà hàng triệu người con Phật trên khắp mọi miền đất nước lại nô nức về hành hương lễ Phật và trẩy hội Xuân. Trải qua chiều dài của lịch sử nơi đây cũng có biết bao thăng trầm cùng vận mệnh dân tộc… Vốn nổi tiếng với những toà cổ sái nguy nga với hàng trăm nóc… Biệt chiếm nhất trời Nam. Nhưng rồi binh hoả chiến tranh tàn phá, nơi đây chỉ còn lại đống tro tàn, gạch vụn.. tất cả những điều đó đều được lưu lại qua các tài liệu, sử sách…

Năm 1837 bức ảnh đầu tiên trên trên thế giới ra đời, đó là bước ngoặt lớn của lịch sử, Nhiếp ảnh đã thể hiện được tầm quan trọng và lan toả khắp mọi nơi với rất nhiều thể loại như ảnh nghệ thuật, ảnh phong cảnh, ảnh chân dung, ảnh tư liệu…. và đặc biệt là nhiếp ảnh Phật giáo với các nhiếp ảnh gia như Võ Sơn Nam, Trí Thiện, Võ Văn Tường, Quang Bảo, Lưu Tuấn, Quảng Tâm, Quang Huy… đó không chỉ là tình yêu với nhiếp ảnh mà có lẽ còn là duyên nợ, là tình cảm đã reo rừ rất lâu với ngôi nhà Phật giáo. Hành trang không chỉ là chiếc máy ảnh, quan trọng hơn là cái tâm, cái tâm ấy không chỉ cảm nhận về vẻ đẹp bên ngoài mà còn lan toả làm thức tỉnh mỗi chúng ta như đứa con thơ đi lạc lâu ngày tìm về nhà, có lẽ vì thế mà họ đã dành rất nhiều thời gian chăm chú ngồi ngắm nhìn và chờ đợi, chờ đợi từng khoảnh khắc để bấm máy lưu lại vẻ đẹp kỳ diệu nơi gắn với họ nhiều duyên nợ.., thế mới biết để có những bức ảnh này cũng lắm công phu, tâm huyết…  Nhưng cũng chính sự công phu, tâm huyết đó đã khiến cho thời gian, không gian, cảm xúc như lắng đọng trong từng bức ảnh để cho muôn người được thấy, được cảm nhận như mình đang lạc vào từng khoảnh khắc của lịch sử.

Vốn được truyền cảm hứng với nhiếp ảnh từ người Thầy (Rinpoche trụ trì) tôn kính của chúng tôi, tôi đã từng tìm hiểu và tự hỏi về các bức ảnh tư liệu lịch sử về chùa Hương để rồi mới biết không chỉ riêng mình mà Thầy tôi, và cả những người nhiều duyên nợ với vẻ đẹp nơi đây đều đau đáu tìm kiếm các tư liệu về hình ảnh về chùa, để được tận mắt nhìn thấy những gì mà tiền nhân đã gây dựng, để hiểu hơn về nơi đã sinh ra mình một lần nữa. Ấp ủ nỗi niềm để rồi nhân duyên đưa tôi gần đến với những gì mong chờ, có lẽ đây cũng là do chư Tổ, các bậc tiền nhân gia hộ. Tháng 6 năm 2017 nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin sau một thời gian tìm hiểu về các tài liệu lịch sử tại các trung tâm lưu trữ, các thư viện tại Việt nam, và thư viện của Pháp, nhận được sự nhiệt tình giúp đỡ của các thiện tín chúng tôi đã đến Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) của Pháp tại Việt Nam, nơi đây đã cung cấp cho rất nhiều tư liệu về chùa Hương từ những năm 1890, cũng chính nơi đây đã giúp chúng tôi tìm đến Viện Thông tin Khoa học xã hội nơi mà niềm vui đã vỡ oà khi được chiêm bái những bức ảnh, những tư liệu về cảnh đẹp, kiến trúc, chư Tổ…  của miền đất thiêng từ những năm 1927. Có tận mắt nhìn mới thấy mình thật nhỏ bé, chư Tổ đã dầy công vun đắp dù cuộc sống khi đó còn nhiều gian nan vất vả nhưng nơi đây đã là những toà lâu đài tráng lệ đứng sừng sững giữa thung lũng ngút ngàn…

BÀI VIẾT VỀ CHÙA HƯƠNG

Sorry, no pages was found