HOÀ THƯỢNG THÍCH VIÊN THÀNH TRUYỀN NHÂN DÒNG DRUKPA KAGYUD VIỆT NAM

 VI DIỆU NGÀN SAU

  1. Dấu ấn truyền nhân

Sau ngày đất nước hòa bình, tháng 10 năm 1979, lần đầu tiên tôi được tháp tùng phái đoàn thứ hai của chư Tôn đức giáo phẩm các tổ chức, hệ phái Phật giáo miền Nam ra thăm miền Bắc. Khi đến viếng chùa Quán Sứ, tôi được gặp nhiều huynh đệ Tăng Ny sinh trẻ đang theo học Trường Tu học Phật pháp tại đây. Phần lớn huynh đệ theo học nơi đây đều là đệ tử của những vị cao tăng các chốn tổ già lam trên đất Bắc, trong số đó có sư ông Viên Thành, đệ tử của sư Tổ Thích Thanh Chân, trụ trì chùa Hương.

Đó là lần đầu tiên ra thăm miền Bắc, chưa được giao tiếp và quen biết nhiều nhưng tôi luôn để tâm tìm hiểu; thì ra, trong số mấy mươi vị tăng trụ xứ tại Quán Sứ thời bấy giờ, từ sâu thẳm của lòng mình cho tôi cảm nhận rất lạ… là dường như những vị Tăng sinh được tồn tại, chắt lọc sau khi chiến tranh kết thúc tu học ở đây đều là “căn tiên cốt Phật”, mỗi vị đều có một nét, một phong cách riêng, rất riêng. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh hai vị Sư ông đứng đầu là Mật Hựu và Thanh Thiều rất tăng tướng, uy nghi và ẩn mật; Sư ông Thanh Hưng rất giống Hòa thượng Thích Huệ Thới, trụ trì Tổ đình Ấn Quang, thành phố Hồ Chí Minh; Sư ông Bảo Nghiêm trông dáng vẻ rất phúc báu, dễ thương; trong số này, Sư ông Viên Thành có một phong cách rất đặc biệt, nhìn bề ngoài nhỏ nhắn, mảnh khảnh, ốm yếu… nhưng lại rất chắc chắn và sâu lắng, sư ông có gương mặt trầm lặng và ánh mắt long lanh.

Con người đó với hình hài xưa cũ
Chín trăm năm giờ tái hiện Sa bà
Dáng nho nhỏ… nụ cười hiền thanh tú
Ánh mắt trầm, tâm thức nở hương hoa.

  1. Viện chủ chùa Hương – chùa Thầy

Theo Phật giáo, những gì hiện hữu đều có nhân duyên. Việc Hòa thượng Thích Viên Thành được bổ xứ trụ trì Tùng lâm Hương Tích, đặc biệt là chùa Thầy – nơi chín trăm năm trước thiền sư Từ Đạo Hạnh đã tu tập, hành đạo và viên tịch – hóa thánh hẳn cũng có nhân duyên sâu xa.

Chùa Hương trăm đỉnh non thiêng
Mây giăng, sương phủ diệu huyền xưa sau
Suối Yến lượn khúc chèo mau
A Di Đà Phật… lối vào thanh lương
Mùa xuân trẩy hội chùa Hương
Thiên Trù nhẹ bước vấn vương núi rừng
Động Hương Tích lòng rưng rưng
Quan Âm Bồ tát chúc mừng lòng con
Trăm năm in dấu chân son
Ngàn năm hồi tưởng lối mòn phạm âm
Tố Liên tổ ấn thậm thâm
Thanh Chân tổ nối truyền tâm phụng thờ
Chùa Thầy còn mãi kinh thơ
Vào hang Thánh hóa duyên chờ Cổ linh
Chín trăm năm khách hữu tình
Giờ đây gặp lại hỏi mình nhớ chăng?
Chùa Hương – chùa Thầy hội Tăng
Tọa chủ khai pháp hương trăng thanh bình
Thầy xưa mấy lượt đăng trình
Thầy nay hiển lộ viên minh nhiệm mầu.

      Với hai sự kiện hiện hữu “tục diệm truyền đăng” nơi chùa Thầy trước và sau chín trăm năm (1050  – 1950) cho chúng ta thấy có sự gặp gỡ kỳ diệu của dòng thời gian. Đặc biệt là lời thơ “huyền ký” của thiền sư:

“Vị báo môn nhân hưu luyến trước
Cổ Sư kỷ độ tác kim Sư”.

  1. Ánh sáng Kim cương thừa

Kim cương thừa hay Mật tông có mặt ở nước ta rất sớm. Căn cứ vào truyện tích của các vị cao Tăng được ghi chép trong sách Thuyền uyển tập anh thì thế kỷ thứ VI, Mật giáo đã được đề cập qua hành trạng của chư Tổ .

Dù không phổ biến như Tịnh Độ hay Thiền, nhưng Mật tông vẫn có dòng chảy tương tục trong mạng mạch của Phật giáo Việt Nam, được truyền thừa qua các thế hệ, gìn giữ và hoằng hóa theo đặc thù pháp môn ở các thời đại. Hòa thượng Thích Viên Thành là một trong những truyền nhân, có vai trò quan trọng góp phần làm phục hưng Mật tông ở miền Bắc nước ta trong giai đoạn cuối thế kỷ 20.

Theo Đ.Đ Thích Minh Hiền cho biết , năm 1992 nhận lời mời của Mr. John-Lien ,người Anh quốc công tác tại Bhutan, Hòa thượng Thích Viên Thành – Viện chủ chùa Hương và chùa Thầy- đã đến Bhutan và thụ Quán đỉnh từ đức Pháp chủ Jekhenpo đời thứ 68 dòng Drukpa Kagyut.Trở về Việt Nam ,Cố Ht.Thích Viên Thành bắt đầu truyền dạy các pháp môn hành trì đã tiếp nhận trực tiếp từ các bậc Kim cương thừa Thượng sư dòng Drukpa Kagyut Phật giáo Bhutan. Mật tông sau thời gian yên ắng đã được xiển dương, đặc biệt Hòa thượng là người đã tạo nên nhịp cầu nối giữa Mật giáo Bhutan với Việt Nam.

Theo nghiên cứu ban đầu cho biết, trong quá trình truyền bá để phù hợp với điều kiện thực tế của Phật giáo Việt Nam, cố Hòa thượng đã có sự chọn lọc các pháp môn hành trì Kim cương thừa mà Hòa thượng đã được truyền thụ trực tiếp từ các bậc Thầy ở Bhutan, do đó, có ít nhiều điểm khác biệt so với nghi quỹ Kim cương thừa Tạng truyền. Đó là sự kết hợp giữa Đông mật(truyền thống) và Tạng mật,đây chính là  điểm rất đáng lưu ý để giới nghiên cứu về dòng truyền thừa Mật tông ở nước ta và là một trong những cơ sở quan trọng để tìm hiểu, so sánh, đánh giá nhằm làm sáng tỏ vai trò quan trọng của Hòa thượng Thích Viên Thành trong lịch sử phát triển của Mật tông tại Việt Nam.

Dù thời gian hành đạo theo pháp môn Kim cương thừa sau khi trở về quê hương đến lúc viên tịch,trọn vẹn mười năm, nhưng những gì Hòa thượng đã đặt nền móng, truyền thừa, hướng dẫn thực sự bắt rễ trong đời sống của nhiều Tăng Ni Phật tử, nhất là miền Bắc. Ảnh hưởng của Hòa thượng về lĩnh vực này, có thể nói là rất lớn, là tác nhân quan trọng khơi nguồn cho sự giao lưu giữa các dòng Kim Cương thừa ở Bhutan, Ấn Độ… với Việt Nam được phát triển, mở đầu cho những chuyến thăm viếng, hoằng pháp của các phái đoàn Kim Cương thừa ở nước ngoài đến Việt Nam cũng như các đoàn Tăng Ny Phật tử Việt Nam có duyên với pháp môn này sang tu học tại các trung tâm Kim Cương thừa Tạng truyền nổi tiếng trên thế giới.

  1. Nhà giáo dục Phật giáo tâm huyết

Là một trong những Tăng sỹ ở miền Bắc được tuyển chọn vào khóa I, niên khóa 1981-1985 trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở I, sau khi tốt nghiệp (l985), Hòa thượng trở về chốn Tổ, phụng sự Tam Bảo và bắt đầu hoằng dương Phật pháp. Từ rất sớm, Hòa thượng đã luôn quan tâm đến việc đào tạo, giáo dục thế hệ Tăng Ny trẻ, coi đó là việc báo đáp thâm ân của chư Phật một cách thiết thực nhất. Với thực học và nhiệt tâm như thế, Hòa thượng đã được cung thỉnh làm giáo thụ  ở các trường Trung cấp Phật học cũng như trường Cao cấp Phật học Việt Nam, sau này là Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.

Hòa thượng là người đã cùng Chư tôn đức thành lập Trường Trung cấp Phật học tỉnh Hà Tây (cũ) và được tín nhiệm mời đảm nhiệm trọng trách Phó Hiệu trưởng thường trực từ năm 1989 cho đến ngày viên tịch.

Năm 1997, Hòa thượng được Trung ương Giáo hội suy cử làm Phó Ban Giáo dục Tăng Ny Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chung tay góp sức với chư tôn đức giáo phẩm Tăng Ny ở miền Nam, miền Trung cùng chăm lo, gánh vác, góp phần vào sự nghiệp chung Giáo dục Tăng Ni, xây dựng chuẩn hóa hệ thống giáo dục Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.

Tôi còn nhớ mãi, có lần (trước năm 2000), tôi đưa phái đoàn Ban Giáo dục Tăng Ny Trung ương đi thăm các cơ sở Phật học tại các tỉnh miền Bắc. Đoàn do Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Phó Ban Thường trực dẫn đầu, có GS.TS. Lê Mạnh Thát cùng đi. Lúc đoàn đến thăm Trường Trung cấp Phật học Hà Tây, cơ sở tại chùa Mỗ Lao, thị xã Hà Đông. Bấy giờ Hòa thượng Thích Viên Thành và Đ.Đ Minh Hiền đã vô cùng hân hoan đón tiếp và giới thiệu từng thành viên đoàn với Tăng Ny sinh, đồng thời giới thiệu từng bước phát triển giáo dục Tăng Ny của Ban Trị sự Phật giáo Hà Tây.

Ngoài trách nhiệm trực tiếp với thế hệ Tăng Ny sinh trẻ tại tỉnh nhà, Cố Hòa thượng đã bày tỏ tâm nguyện của mình với công cuộc xây dựng định hướng giáo dục Tăng Ny của Giáo hội về lâu, về dài. Cố Hòa thượng đã thể hiện ý tưởng đó với Hòa thượng Thích Chơn Thiện và các thành viên đoàn ước nguyện của Hòa thượng là làm thế nào Ban Giáo dục Tăng Ny Trung ương thực hiện được bộ sách Giáo khoa Phật học để làm nền tảng giáo dục Phật giáo nước nhà.

Chùa Thầy 900 năm trước gắn liền với Thánh tăng Từ Đạo Hạnh, một vị thiền sư với hành trạng đặc biệt được sử sách ghi lại, truyền tụng nhiều giai thoại mật hạnh cho đến ngày nay.

Hơn 900 năm sau, cũng tại ngôi chùa này,năm 1986 Hòa thượng Thích Viên Thành được bổ xứ trụ trì hoằng dương Phật pháp; một lần nữa, đã góp phần làm sống lại nguồn tâm linh xưa nơi đây. Theo quan niệm tái sinh trong đạo Phật, đặc biệt là trong truyền thống Kim Cương thừa, những sự việc như vậy không phải là ngẫu nhiên, mà phải có nhân duyên, chắc chắn có sự liên hệ mật thiết với nguồn mạch tâm linh ở ngôi chùa thiêng này.

Chùa Thầy mặt nước long lanh
Truyền nhân đọng lại Viên Thành xưa sau
Ngước nhìn Thánh hóa trên cao
Soi trong nhân thế ngọt ngào bể dâu
Từ Đạo Hạnh ngỡ chiêm bao
Lý Thần Tông… thức mộng vào nhân gian
Tích xưa quả báo bàng hoàng
Tích nay lan tỏa hào quang giữa đời
Trăm năm rạng rỡ xinh tươi
Kim Cương thừa đẹp… dáng người thiên thu.

                                                                          Tp.HCM  ngày 13 tháng 02 năm Nhâm Thìn – 2012.
Hòa thượng Thích Giác Toàn
           Viện trưởng Viện NCPHVN