Thắng cảnh Hương Sơn
Những ai dù chỉ một lần hành hương thăm thắng cảnh Hương Sơn, chắc chắn cũng giữ được nhiều kỷ niệm về bức tranh sơn thủy hữu tình rất đẹp, rất thơ do thiên nhiên và con người tạo dựng. Hương Sơn là một quần thể di tích và danh lam thắng cảnh nổi tiếng, bao gồm cả một hệ thống hang động, đền, chùa xen lẫn trong rừng núi hoa lá cỏ cây, nằm ở địa phận huyện Mỹ Đức, Thủ đô Hà Nội. Trải qua nhiều thế kỷ đá vẫn trơ khan cùng tuế nguyệt. Thi sĩ Tản Đà đã phác thảo bức tranh Hương Sơn:
“Chùa Hương trời điểm lại trời tô
Một bức tranh tình trải mấy Thu
Xuân lại xuân đi không dấu vết
Ai về ai nhớ vẫn thơm tho”.
(Tản Đà).
Đôi dòng lược sử…
Theo các thư tích cổ, vua Lê Thánh Tông đi tuần thú qua vùng núi rừng Hương Sơn (nay thuộc Mỹ Đức – Hà Nội) lần thứ 2 vào tháng giêng năm Đinh hợi, niên hiệu Quang thuận thứ 8 (1467), người đã đóng quân nghỉ lại ở thung lũng này và cho binh lính thổi cơm ăn. Vua xem thiên văn thấy vùng này lâm vào địa phận của sao Thiên Trù (một sao chủ về sự ăn uống và biến động), nên nhân đấy đặt tên. Sau đó Sư Tổ Viên Quang Chân Nhân, quốc phong Thượng Lâm Viện – Tăng lục Tăng lục Ty Hoà Thượng Viên Giác Tôn Giả, chống gậy thiền vượt suối trèo non cùng cư dân vào dựng thảo am thờ Phật, khai sáng Thiên Trù Tự. Tiếp sau Tổ Sư Trần Đạo Viên Quang Chân Nhân, Tổ Sư Nguyệt Đường kế nhiệm trụ trì. Sau thời kỳ ba vị Hòa thượng khai sáng, chùa Hương gián đoạn trụ trì ngót một trăm năm. Mãi tới niên hiệu Chính Hòa năm thứ Bảy (1686) thời vua Lê Trung Hưng, Hòa thượng Trần Đạo Viên Quang, (tương truyền cũng là một quan chức trong triều đình đã treo ấn từ quan để đi tu) mới lại tiếp tục công việc tạo dựng. Đến thế kỷ 18, trong chuyến tuần du của chúa Tĩnh đô vương Trịnh Sâm vào năm Canh Dần 1770, ông đã khắc 5 chữ; “Nam Thiên Đệ Nhất Động” – nghĩa là động đẹp nhất trời Nam vào cửa động Hương Tích và lưu lại một số minh văn bia ký.
Rồi kể từ đó Tổ ấn trùng quang, đèn Thuyền tiếp nối, quá trình xây dựng chùa Hương được liên tục qua rất nhiều đời Chư Tổ. Năm Mậu Tuất (1802), tổ Hải Viên xây dựng năm gian tiền đường bằng gỗ lim lợp ngói thờ Phật. Lần lượt kế đăng trụ trì là các Tổ: Tịch Đĩnh, Thông Dụng, Thích Tuấn Nhã, Chiến Trực, Thông Lâm, Tâm Chúc, Thanh Hữu, Thanh Quyết… Đến đời trụ trì của Đại Sư Thanh Tích công việc xây dựng kiến thiết Thiên Trù vẫn được tiếp tục, để rồi đến năm 1942 nơi đây như một tòa lâu đài nguy nga tráng lệ “Biệt chiếm nhất Nam thiên”. Nhưng đáng tiếc thay vào ngày 11 tháng 2 năm Đinh Hợi 1947, thực dân Pháp đã vào đây đốt phá, biến Thiên Trù thành đống gạch vụn tro tàn. Đến năm 1948, giặc lại vào đốt phá một lần nữa, rồi năm 1950 chúng lại cho máy bay thả bom khiến cho cao chất ngất mấy tòa cổ sái của Thiên Trù bị san phẳng. Dấu vết xưa của Thiên Trù hiện nay chỉ còn lại vườn Tháp, trong đó có Bảo Tháp Viên Công, một công trình nghệ thuật đất nung của thế kỷ thứ 17 và cây Thiên Thủy Tháp.
Năm 1951, Hoà thượng Thanh Chân đã cho dựng lên từ đống tro tàn đổ nát 6 gian nhà tranh để có nơi tu hành và nhang khói. Vào năm 1989, dưới sự trụ trì của cố Thượng tọa Thích Viên Thành, Ban xây dựng Chùa Hương đã khởi công tái thiết lại chùa Thiên Trù đến năm 1991 thì khánh thành. Năm 1994, cổng Nam Thiên Môn cũng được hoàn thành, đứng sừng sững giữa núi rừng Hương Sơn. Những năm sau này, tiếp nối Tông phong Hương Tích, Thượng tọa Thích Minh Hiền- trụ trì đời thứ 12- mở mang xây dựng thêm nhiều công trình mới, để đến ngày nay, chúng ta đến đây được chiêm ngưỡng quần thể kiến trúc nguy nga, hoành tráng. Tuy vậy, đó là những công trình được xây dựng lại từ nửa thế kỷ nay, chứ không mấy ai biết được quang cảnh Thiên Trù ngôi chùa trong quá khứ như thế nào.
Hoài niệm về chùa xưa, cảnh cũ người ta phải đọc những áng thơ văn được thi nhân xưa sáng tác vào nửa đầu thế kỷ XX. Đặc biệt, những bài thơ viết về chùa Hương lung linh ảo diệu của Chu Mạnh Trinh, Tản Đà, Nguyễn Nhược Pháp… làm cho ai nấy đều cảm thán, tiếc nuối cảnh cũ người xa.
Đạo Phật ở Hương Sơn
Thắng cảnh Hương sơn là một khu trội nổi các di tích Phật giáo. Lễ hội Hương sơn là lễ hội đậm nét của đạo Phật thuần túy, có tới 85% số khách đi trẩy hội là những người tín ngưỡng đạo Phật về lễ hành hương thường kỳ hàng năm.
Nơi đây đạo Phật được truyền vào ngay từ khi phát hiện ra hang động…
Hành hương
THÁNH TÍCH HƯƠNG SƠN
Quần thể thắng cảnh chùa Hương bao gồm 18 đền, chùa, hang, động, chia làm bốn khu như sau:
1
Khu Hương – Thiên
Có tám di tích là: Động Hương Tích, chùa Thiên Trù, đền Trình Ngũ Nhạc, chùa Giải Oan, đền Cửa Võng, chùa Tiên Sơn, chùa Hinh Bồng và động Đại Binh.
2
Khu Thanh Hương
Gồm: Chùa Thanh Sơn và động Hương Đài
3
Khu Long Vân
Gồm bốn điểm: Chùa Long Vân, động Long Vân, động Cây Khế và hang Thánh Hoá
4
Khu Tuyết Sơn
Gồm bốn di tích: Chùa Bảo Đài, động Ngọc Long, chùa Ngư Trì (Chùa Cá), và đền Trình Phú Yên.
Sách ảnh
Chùa Hương
Xưa Nay
Cuốn sách ảnh chùa Hương Xưa & nay, không chỉ đơn thuần là những tác phẩm nhiếp ảnh phong cảnh mà ở đó thế hệ hậu côn chúng ta còn được đắm mình vào một dòng chảy lịch sử thư tịch Phật giáo Hương sơn và cũng là nơi còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của Phật giáo Việt nam.
Hãy thưởng lãm và thể nhập vào nơi Thánh tích của Bồ tát Quán Thế Âm…